Thành phố hồng Jaipur - thành phố lớn nhất bang Rajasthan, Ấn Độ - có rất nhiều điểm tham quan thu hút du khách đến thăm, nổi bật trong số đó là công trình kiến trúc Hawa Mahal, còn gọi là Cung điện của gió.
Hawa Mahal được xây dựng vào năm 1798 bởi hoàng đế Maharaja Sawai Pratap Singh. Cung điện được xây dựng mô phỏng theo hình chiếc vương miện của vị thần Hindu là Krishna.
Hawa Mahal nằm trên đường chính ở trung tâm của Jaipur, cung điện có kiến trúc hình kim tự tháp năm tầng và được xây dựng bằng đá sa thạch màu đỏ và hồng. Nhìn từ phía ngoài, cung điện trông giống như một tổ ong với 953 cửa sổ nhỏ được trang trí, chạm trổ tinh tế đến từng chi tiết. Các gian phòng bên trong với cột trụ và hành lang cũng được trang trí tinh xảo, đẹp mắt. Mục đích ban đầu của cung điện là để phụ nữ hoàng gia quan sát cuộc sống hàng ngày trên đường phố nhưng không bị bên ngoài nhìn thấy.
Với hệ thống các ô cửa sổ nhỏ đón những luồng gió từ ngoài thổi vào nên Hawa Mahal luôn mát mẻ ngay cả trong thời tiết vô cùng nóng nực của mùa hè. Do đó, đây còn là nơi các thành viên của hoàng gia nghỉ mát mỗi khi hè về.
Lal Chand Ustad là kiến trúc sư của kiến trúc cung điện Hawa Mahal độc đáo này. Cung điện được xây dựng với tông màu đỏ và màu hồng của đá cát, phù hợp với các trang trí của các di tích khác trong thành phố. Màu sắc của Hawa Mahal là một bằng chứng đầy đủ cho biệt danh là "Thành phố hồng" của Jaipur.
Hawa Mahal đặc biệt nổi bật vào buổi sáng sớm khi những tia nắng đầu tiên của mặt trời lấp lánh thắp sáng toàn bộ cung điện. Năm 2005, cung điện Hawa Mahal được cải tạo và bổ sung thêm một thang máy để phục vụ khách du tham quan.