"Bữa trà chiều" của người Anh

16:24 | 19/12/2017

Sự nổi tiếng của bữa trà chiều khiến nhiều người khi nhắc đến ẩm thực Vương quốc Anh thường nghĩ ngay đến Trà. Nhưng thật ra vào cuối thế kỷ 16, người Bồ Đào Nha và người Hà Lan đã đi trước người Anh một bước trong việc thử dùng, yêu thích và đưa trà trở thành món hàng nhập khẩu có giá trị cao. Phải nhờ đến cuộc hôn nhân của Vua Charles II (1630-1685) và Catherine xứ Braganza - công chúa Bồ Đào Nha, là một người mê trà - thì niềm đam mê với loại thức uống này mới được thổi bùng lên tại Vương quốc Anh.

Và từ thế kỷ 18 đến nay, Vương quốc Anh luôn là quốc gia tiêu thụ trà (trên đầu người) cao nhất thế giới. Người dân Anh, theo ước tính, mỗi ngày uống đến 165 triệu tách trà và mỗi năm nhập khẩu đến 144 tấn trà - một phần năm tổng lượng trà xuất khẩu của thế giới. Ngoài các nhãn hiệu trà Anh Quốc được ưa chuộng, các công ty Anh Quốc cũng dẫn đầu trong các cuộc giao thương trà trên thế giới.

Việc dùng trà, trước khi trở thành một trong những phong cách sống nổi bật ở xứ sở sương mù này, đã phải trải qua rất nhiều khó khăn như giá nguyên liệu độc quyền từ Trung Quốc quá cao (được giải quyết bằng việc người Anh cho trồng trà tại những thuộc địa khác của mình như Ân Độ, Sri Lanka...), thuế nhập khẩu quá cao, những lo ngại cho rằng uống trà sẽ gây hại cho sức khỏe... Nay thì thói quen dùng trà càng được củng cố bởi các bằng chứng khoa học cho thấy nó có lợi cho sức khỏe. Việc uống trà đã trở thành văn hóa truyền đời, thành nghi thức xã hội, và khi người Anh Quốc muốn nói mình không thích điều gì đó, họ sẽ bảo rằng “not my cup of tea -không phải tách trà của tôi.”

Bên cạnh trà thì bia cũng là thứ đồ uống quốc hồn quốc túy. Cho tới thời Tudor, loại đồ uống có cồn truyền thống của người Anh là "ale", được làm một cách đơn giản từ mạch nha và lúa mạch lên men. Vào năm 1520, “gà tây, tà giáo, hoa bia và bia ùa vào nước Anh.” Những bông hoa bia sấy khô - loại cây leo có thể vươn lên độ cao 6 mét trong các khu vườn đặc biệt, chủ yếu ở Kent - đã bắt đầu được sử dụng để thêm hương vị và giúp bảo quản ale; và nhờ cho thêm hoa bia, ale trở thành bia. Bởi quán bia và việc ủ nấu bia là một phần của di sản Anh, cho nên không lạ khi có một số nhà nấu bia cố gắng chống lại những hãng bia lớn và vẫn chế biến theo lối cũ. Tuy vậy, bia cũng như rượu vang, gặp trở ngại trong việc vận chuyển, và ngay cả nhiều nhà sản xuất bia lớn cũng thường chỉ quanh quẩn trong địa phương: Adnams ở Suffolk, Harveys ở Sussex, Sam Smith ở Yorkshire. Whisky Scotland có lẽ là loại rượu của Vương quốc Anh được nhiều người biết tới nhất, nhưng những vùng trồng nho ở miền Nam nước Anh như Kent và Sussex cũng có những loại rượu nổi tiếng chủ yếu là vang trắng.

Có loại rượu vang tự làm từ dâu dại và các loại quả dại khác. Rượu táo thơm lừng mặc dù khá nặng nhưng rất được ưa chuộng tại Hereford, Hạt Tây và Kent. Rượu gin nấu từ trái bách xù cũng được thế giới ưa chuộng.


Cũ hơn Mới hơn