Canada là quốc gia lớn thứ hai thế giới. Miền đất này trải rộng trên 5.500km từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương và kéo dài trên 4.600km từ đảo Ellesmere ở Bắc Băng Dương xuống tận biên giới Hoa Kỳ. Tổng diện tích Canada hơn Hoa Kỳ đến 600.000km2 nhưng dân số lại chưa được bằng 1/9 số dân người láng giềng của mình. So sánh này dễ khiến người ta đặt ra câu hỏi “Vì sao một nơi mênh mông lại vắng người như vậy?” Thật ra không phải nơi nào ở Canada cũng thưa thớt; chỉ là vì một phần không nhỏ diện tích của nước này có địa hình và khí hậu không hề hậu thuẫn cho một cuộc sống thoải mái mà thôi.
Những vùng đất Canada (phân chia dựa vào đặc điểm địa mạo)
1. Vùng cao nguyên Appalachian:
Vùng cao nguyên Appalachian ở “ngoài cùng” phía Đông, bao gồm các tỉnh Newfoundland, Labrador, Prince Edward Island, Nova Scotia, New Brunsvvick và phần lớn khu vực bán đảo Gaspé của Québec. Tuy cũng có một số khu vực đất đai màu mỡ, có thể canh tác nhưng địa hình đặc trưng của vùng này là đồi rừng không bằng phẳng, bờ biển giáp Đại Tây Dương khúc khuỷu, nhiều vịnh biển.
2. Vùng đất thấp Đại Hồ - St. Lawrence
Là phần phía Nam tỉnh Ontario và Québec, sát bên cao nguyên Appalachian. Đây là vùng nhỏ nhất ở Canada nhưng lại có dân cư đông đúc nhất và mức độ công nghiệp hóa cao nhất. Không chỉ thích hợp làm nông nghiệp, vùng này còn có rất nhiều thác nước cung cấp năng lượng thủy điện để phát triển công nghiệp.
Đại Hồ là hồ nước ngọt lớn nhất và một trong những hồ sâu nhất thế giới được hình thành từ băng hà tan ra từ hàng nghìn năm trước. Bốn trong số năm hồ trong tổ hợp Đại Hồ nằm trên đuờng biên giới giữa Canada và Hoa Kỳ. Những hồ này đem đến nhiều lợi ích to lớn cho cả hai quốc gia về đánh bắt thủy sản, giao thông, vận tải; cũng tại đây hình thành nên nhiều thành phố quan trọng.
3. Vùng Canadian Shieid
Vùng Canadian Shieid - “chiếc móng ngựa” bao quanh vịnh Hudson - chiếm đến một nửa diện tích Canada. Vùng rộng lớn của những đá, rừng, hồ nước và đầm lầy này là một trong những khu vực lâu đời nhất trên Trái đất. Một số lớp đất đá ở đây đã hơn hai tỉ năm tuổi. Phần lớn đất màu đều đã bị cuốn trôi đi bởi những dòng sông băng từ kỷ Băng hà nên trừ một vành đai ở trung Ontario và Québec, khu vực này hầu như không phù hợp để làm nông nghiệp. Tuy vậy, bên dưới lớp đất bề mặt ở đây có thể gọi là một kho báu vô giá, với những quặng khổng lồ kẽm, sắt, đồng và các khoáng sản khác.
4. Vùng Đồng bằng Nội địa
Vùng Đồng bằng Nội địa - một phần của đại đồng bằng Bắc Mỹ - phía Tây giáp với dãy Rocky, phía Đông giáp Canadian Shield, là khu vực đất đai bằng phẳng nhất nước. Những đồng bằng phía Đông chủ yếu là thảo nguyên rộng lớn và đất canh tác màu mỡ. Về phía Nam, những con sông đã được ngăn lại để làm thủy lợi, phục vụ cho những cánh đồng và những trại chăn nuôi gia súc. Tại đây cũng có những vỉa than, quặng dầu thô, khí thiên nhiên và phốt-phát giàu có.
5. Vùng Western Cordillera
Vùng Western Cordillera nằm ở “rìa” Tây của đất nước, đặc trưng bởi những dãy núi sừng sững được ngăn cách bởi những thung lũng sâu. Hai dãy núi quan trọng nhất là dãy Rocky và Coast. Dãy Coast chạy viền theo phần đất liền của tỉnh British Columbia, lên tận phía Bắc, đến vùng lãnh thổ Yukon; trong khi đó, hình thành nên phía Đông của vùng là dãy Rocky - một phần của hệ thống núi Cordillera Bắc Mỹ, chạy từ Alaska, qua Canada, xuống Mỹ, dài tổng cộng đến 4.800km. Vùng này có trữ lượng nước ngọt rất lớn, là nơí bắt nguồn của năm dòng sông lớn: Columbia, Fraser, Kootenay, Liard và Piece.
6. Vùng các đảo Bắc cực
Vùng các đảo Bắc cực gần như nằm trọn trong vòng Bắc Cực, có diện tích khoảng 1/7 tổng diện tích Canada. Đây là vùng duy nhất có tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu; tuy đất đai trơ trụi, khí hậu khắc nghiệt nhưng rất giàu tài nguyên khoáng sản - những quặng sắt và than đã được tìm thấy, dầu mỏ và khí thiên nhiên cũng đã bắt đầu được thăm dò. Tuy nhiên, cho đến nay thì lông thú vẫn là tài nguyên chính ở đây.