Bãi đá cổ Sapa gồm những tảng đá lớn nhỏ khác nhau nằm rải rác trên những thửa ruộng bậc thang thuộc thung lũng Mường Hoa trên một diện tích rộng khoảng 8km2. Điều đặc biệt là trên những tảng đá đó có nhiều lớp chạm khắc với những đường nét, hình thù lạ mà cho đến nay chưa một nhà nghiên cứu nào đưa ra được kết luận cụ thể những mảng chạm khắc đó là gì, mặc dầu bãi đá cổ này đã được phát hiện và nghiên cứu từ năm 1925.
Bãi đá này gồm khoảng 200 hòn với những hình thù, kích thước khác nhau. Hòn lớn nhất, người dân địa phương gọi là hòn bố, dài 15m, cao 6m. Trong số những hòn đá đáng chú ý nhất là hòn đá vợ, đá chồng, đàn hổ đá và tấm bia trên có khắc chữ, mà theo truyền thuyết dân gian kể thì đó chính là những câu thần chú của nhóm thợ đá nhằm tiêu diệt đàn hổ đến quấy phá bản làng. Còn tảng đá vợ, đá chồng nói về mối tình chung thủy của đôi trai gái vượt qua bao gian nan, trở ngại lễ giáo phong kiến, môn đăng hộ đối, để mong tìm được hạnh phúc, cho dù phải hóa đá, đôi trai gái vẫn hướng về nhau, lần tìm đến nhau. Các mảng chạm khắc trên những tảng đá này gồm nhiều loại hình khác nhau: như hoa văn trang trí, tranh vẽ tả thực, hình người, nhà sàn và các đường nét, các ký hiệu mà rất có thể là chữ viết nhưng cho đến nay chưa một ai giải mã được.