Cầu ngói cách chùa Lương khoảng 100m, nằm ngay trên đường vào chùa, gắn với ngôi chùa thành một cụm di tích. Cầu ngói cũng được xây dựng cùng thời gian với chùa. Nhân dân quen gọi cầu này là cầu ngói chợ Lương vì cầu ở liền chợ. Cầu ngói chợ Lương là một trong mười cầu cổ của đất Quần Anh xưa (Hải Anh). Quần Anh có mười giáp, thì chín giáp dựng cầu bằng đá, kiến trúc đơn giản, mục đích là để đi lại thuận tiện. Riêng giáp thứ mười, ở gần chùa, gần chợ là chốn đô hội của Quần Anh lại dựng cầu ngói.
Buổi ban đầu, mái cầu chỉ lợp rơm rạ, về sau nâng quy mô cầu, lợp ngói để phù hợp với không gian chùa Phúc Lâm. Lần trùng tu vào năm 1922 làm cho cầu không còn giữ được phong cách kiến trúc thế kỷ XVII nữa. Song vẫn được coi là một di tích kiến trúc độc đáo của Nam Định. Cầu ngói chợ Lương bắc qua sông Hoành, chảy dọc theo ấp Quần Anh xưa. Cầu xây theo kiểu “thượng gia, hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu).
Cầu xây trên 18 cột đá vuông, mỗi cạnh 35cm, xếp thành sáu hàng cột để gánh sáu vì, đỡ toàn bộ sáu gian nhà cầu. Trên các cột đá là hệ thống xà ngang và xà dọc bằng gỗ lim to chắc, đỡ các dầm cầu, nâng sàn và nhà cầu. Sàn cầu gồm hai phần: phần sàn của lòng cầu rộng 2m được lát bằng những thanh gỗ lim ghép lại, nằm trên hàng dầm uốn cong về hai đầu cầu. Hai bên lòng cầu là hai dãy hành lang cũng uốn cong theo lòng cầu. Ở hành lang cũng được ghép ván. Phía ngoài hành lang là hàng lan can với các đố thượng, đố hạ, con song. Hệ thống xà dầm bố cục chặt chẽ nâng gọn 40 cột cái, cột quân, cấu kiện chủ yếu của nhà cầu. Các vì kèo, 36 xà dọc, thượng lương, xà ngang, xà máng trên, máng dưới, hệ thống hoành rui... đều được gia công tỉ mỉ, đạt yêu cầu kỹ, mỹ thuật, khiến bộ khung vừa cong, vừa uốn lượn mà vẫn khít xà, ăn mộng. Mái được lợp rất khéo, không bị xô, không dột. Các mảng chạm khắc không nhiều và có phần đơn giản. Trong đó đáng chú ý là cuốn thư tạo dáng đẹp đề 4 chữ: “Quần Phương xã kiều” (Cầu xã Quần Phương - tức là Quần Anh).