Đền Đồng Bằng thuộc thôn Đồng Bằng, xã An Lễ huyện Quỳnh Phụ. Làng Đồng Bằng xưa là trang Đào Động, một trong những phòng tuyến quân sự của nhà Trần thế kỷ XIII. Tục truyền, đền được khởi dựng khá sớm từ thời Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18), qua các triều đại được tu tạo, sửa chữa nhiều lần. Công trình kiến trúc hiện nay có niên đại Khải Định năm thứ 10 (1926), và cũng được trùng tu qua nhiều năm 1940, 1950, 1984. Đền tọa lạc trên diện tích 6.000m2, mặt quay về hướng Tây. Đền thờ Đức vua Cha Bát Hải Động Đình, người có công lớn trong việc bình giặc Thục giữ yên bờ cõi, đưa con Lạc cháu Hồng vào thiên niên kỷ thứ nhất. Công trình đền Đồng Bằng gồm 13 toà nhà, 60 gian. Cấu trúc theo kiểu: tiền chữ “nhị” (二), hậu chữ “đinh” (丁). Bố cục theo lối liên hoàn, khép kín, rất uy nghi, bề thế, nhưng vẫn phóng khoáng, nhẹ nhàng, duyên dáng.
Đền Đồng Bằng mang phong cách kiến trúc truyền thống ở các làng xã Bắc Bộ, nhưng có phần ảnh hưởng kiến trúc xứ Huế hồi đầu thế kỷ. Đó là nghệ thuật ghép gốm và mái tứ diện chồng diêm. Trong đền, các mảng điêu khắc hết sức tinh vi, mềm mại như những bức tranh lụa với các đề tài tứ quý, tứ linh. Hệ thống rường, cột xà, cốn, kẻ bẩy được nghệ nhân chạm khắc công phu. Hàng trăm câu đối, đại tự, cuốn thư, cửa võng đều được sơn son thếp vàng, với những đường nét chạm trổ, chạm lộng... với các họa tiết cá hóa rồng, rồng cuốn thủy, nhị thập bát tú, hoa lá, chim muông... Có thể nói, đền Đồng Bằng là một bảo tàng mỹ thuật điêu khắc gỗ của vùng quê lúa.
Hằng năm, lễ hội đền Đồng Bằng diễn ra vào ngày 20 tháng 8 âm lịch, có tổ chức đua thuyền truyền thống. Nhân dân đã có câu ca: Dù ai buôn bán trăm nghề, Hai mươi tháng tám nhớ về Đào thôn.