Đền Mây nằm trên bến đò Mây, dựng từ thời nhà Đinh, đền đời nhà Lý được tôn tạo lại. Trước đền có một cây đa cổ thụ, tương truyền được trồng cùng thời gian tu sửa đền lần đầu.
Đền thờ tướng quân Phạm Phòng Át, còn gọi là Phạm Bạch Hổ. Ông sinh ngày 10 tháng Giêng năm Canh Ngọ (910), trong một gia đình tiểu thương tại trấn Đằng Châu. Từ nhỏ, ông nổi tiếng là thông minh, cương trực.
Năm Đinh Hợi (927) làm hào trưởng trấn Đằng Châu, là danh tướng của Ngô Quyền. Năm 937, ông đem 1000 quân đến hợp binh với quân của Ngô Quyền tại Gia Viễn (Châu Ái). Cùng năm đó, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ (cha vợ Ngô Quyền), đoạt chức Tiết Độ Sứ. Để củng cố địa vị, Kiều Công Tiễn cầu cứu quân Nam Hán sang xâm lược nước ta. Ngô Quyền cử Phạm Bạch Hổ, Dương Tam Kha, Ngô Xương Ngập... đem 5.000 quân về thành Đại La diệt Kiều Công Tiễn.
Năm Mậu Tuất (938) trong trận thủy chiến ở Bạch Đằng Giang, ông được Ngô Quyền giao làm tướng tiên phong nhử giặc. Dưới sự chỉ huy của Ngô Quyền, quân ta đánh tan quân Nam Hán. Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha, em vợ Ngô Quyền, đoạt ngôi, Phạm Bạch Hổ đã giúp con trai thứ của Ngô Quyền là Ngô Xương Văn đoạt lại ngôi vua. Khi triều Ngô mất, ông là một trong Thập nhị sứ quân, đại bản doanh đóng ở Đằng Châu.
Phạm Bạch Hổ mất ngày 16 tháng 11 năm Đinh Mão (967). Nhân dân lập đền thờ nơi dinh lũy cũ trên đất Đằng Châu. Các triều đại về sau, mỗi khi đăng quang đều truy phong ông “Khai thiên trấn quốc trung phu tá dực đại vương”.
Đền Mây được xây theo kiểu chữ “tam” (三) gồm tiền tế, trung tế và hậu cung. Gian giữa tiền tế treo bức đại tự “Thái Bình vương phủ” (đây là Vương phủ Thái Bình) khảm trai, hai bên có các hoành phi “Phúc dẫn Đằng Lưu” (sông Đằng dẫn Phúc), “Anh Phi châu quận” (Quận Châu Anh Phi) và một tấm y môn thêu 4 chữ “Tuấn nghiệp hoằng khai” (Nghiệp sáng rộng mở). Trong đền có 27 pho tượng, tạc thời Lê, hai cỗ kiệu bát cống, một lư hương đồng.