Đền Tiên La, Thái Bình

16:45 | 21/02/2018

Đền Tiên La còn gọi là Tiên La Linh Từ, ở thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, cách thành phố Thái Bình 35km về phía Bắc. Đền Tiên La thờ Bát Nàn Tướng quân, là nữ tướng của Hai Bà Trưng có công đánh giặc Tô Định. Theo thần phả, Bát Nàn tướng quân tên thật Vũ Thị Thục, thường được gọi Thục Nương, sinh ngày 5-8 năm Tân Sửu, quê ở Trang Phượng Lưu, huyện Bạch Hạc, Phú Thọ. Cha là Vũ Công Chất, mẹ là Hoàng Thị Màu. Thục Nương đính hôn với Phạm Hương, dòng dõi một Lạc Tướng làm Quận trưởng Nam Châu. Nước ta thời đó bị Thái thú Tô Định nhà Hán cai trị. Biết Thục Nương là cô gái tài sắc vẹn toàn, Tô Định sai bắt phụ thân và chồng chưa cưới vào ép buộc phải gả Thục Nương cho hắn. Vũ Công Chất và Phạm Hương không chịu, hắn đã sai lính đánh chết hai người. Biết tin cha và người yêu bị giết, Thục Nương đưa mẹ già đi gửi, đồng thời một mình xông vào giết giặc trả thù. Nàng đã chém giết nhiều tên giặc và về làng Tiên La nương náu. Tại đây, nàng tổ chức nghĩa quân dựng cờ khởi nghĩa. Tới mùa xuân năm 40, được tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Hát Môn, Bát Nàn vô cùng phấn khởi, và được Bà Trưng Trắc sai sứ mang sắc chỉ đến mời tụ nghĩa, Bát Nàn đem quân của mình đến hợp với quân Hai Bà Trưng và được phong chức “Đông Nhung Đại Tướng quân”. Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo giành toàn thắng vào mùa xuân năm 40. Bị thất bại thảm hại, nhà Hán sai hai tên tướng Mã Viện và Lưu Long sang nước ta đàn áp cuộc khởi nghĩa. Thế giặc quá mạnh. Năm 43, cuộc kháng chiến chống xâm lược của Trưng Vương thất bại. Hai Bà đã anh dũng hy sinh. Bát Nàn và nghĩa quân lui về Tiên La cố thủ. Cuối cùng căn cứ Tiên La bị quân Hán phá hủy, Bát Nàn Tướng quân tự sát tại gò Kim Quy. Nhân dân thương nhớ lập đền thờ ngay trên mảnh đất bà đã hy sinh. Từ đó đền Tiên La đã trải qua nhiều lần tu bổ, lần gần đây nhất vào năm 1937-1939. Ngôi đền có quy mô lớn, tọa lạc trên một gò đất rộng 4.000m2, nằm ngay cạnh đê sông Tiên Hưng. Toà bái đường và thượng điện kiến trúc bằng gỗ tứ thiết. Nội thất được chạm trổ công phu, xoay quanh đề tài tứ linh “long, ly, quy, phượng” đan xen với tứ quý “thông, trúc, cúc, mai”. Ở Y môn, cửa Võng, đại tự, cuốn thư, câu đối đều được bài trí đẹp đẽ, trang nghiêm. Đền còn lưu giữ nhiều đồ tế khí quý giá, như đôi ché gốm, niên đại đời Lê, các câu đối khảm trai và tượng thờ Bát Nàn Tướng quân tại thượng điện. Ngoài ra còn có sắc phong thần từ thời Lê đến thời Nguyễn, bia đá, chuông đồng... Hằng năm lễ hội đền Tiên La mở vào trung tuần tháng 3 âm lịch.


Cũ hơn Mới hơn