Đền vua Lê Đại Hành nằm trong thành nội Hoa Lư, cách đền vua Đinh 500m, bên một chi nhánh sông Hoàng Long, dựa vào núi Đìa, trước mặt là núi Đèn. Đền nằm ở địa phận thôn Trường Yên Hạ, nên gọi là đền Hạ. Đền xây theo kiểu “nội công ngoại quốc”, có nghi môn ngoại (cửa ngoài), hồ sen, núi giả, rồi đến nghi môn nội, sân rồng, long sàng, bia dựng năm 1608, ca ngợi công đức vua Lê Đại Hành; ba toà bái đường, thiêu hương và chính cung. Đền vua Lê có quy mô nhỏ hơn đền vua Đinh, nhưng do ít được trùng tu, sửa chữa nên đền vua Lê còn giữ được nhiều dấu tích trang trí cổ. Đặc biệt có sáu đầu bảng, chạm sáu con rồng, mỗi con một dáng vẻ, con vờn ngọc, con đấu hổ, con phun lửa... Bộ cánh cửa của toà chính cung có hình độc long, trên nền gấm chữ triện hoa chanh, chạm trổ công phu. Trên cốn, ván bưng, con chồng rường, trên diềm bia, bệ đá đều được chạm trổ khéo léo, hình rồng ổ, rồng đàn, tôm, cua, khỉ, sóc... Trong chính cung đền vua Lê thờ tượng vua Lê Đại Hành, ngồi trên ngai vàng, mang dáng dấp võ tướng, bên phải là tượng Lê Long Đỉnh (Lê Ngọa Triều), bên trái là tượng Dương Vân Nga, xiêm y lộng lẫy, nét mặt thanh tú. Nghệ thuật chạm khắc gỗ đền vua Lê Đại Hành là nghệ thuật thế kỷ XVII đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo.