Đèo Tam Điệp thuộc thị xã Tam Điệp, cách thị xã Ninh Bình 18km về phía Nam. Đèo Tam Điệp gồm ba dãy núi đá vôi chạy từ Hoà Bình xuống rồi ăn sâu ra biển theo hướng Đông Bắc - Tây Nam và hạ thấp dần. Chỗ núi đá hạ thấp xuống gọi là đèo. Đèo là địa giới giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, mà cũng là địa giới giữa Bắc Bộ và Trung Bộ. Từ Bắc vào đến địa điểm này có ba đèo liền nhau, nên mới gọi là Tam Điệp. Đèo thứ nhất cao khoảng 68m, đèo thứ hai ở giữa, cao 110m, đèo thứ ba phía trong cùng cao 80m (so với mực nước biển). Đèo Tam Điệp là lá chắn giữa Bắc Bộ và Trung Bộ, một tuyến phòng ngự rất lợi hại, một vị trí chiến lược quân sự rất quan trọng, như bức tường thành thiên nhiên án ngữ trên con đường thiên lý ra Bắc vào Nam. Tháng Chạp năm Mậu Thân (1788), vua Quang Trung trên đường hành quân thần tốc ra Bắc lần thứ hai đánh đuổi quân xâm lược nhà Thanh, đã cho hội quân ở đèo Tam Điệp và mở tiệc khao quân, trước khi vào Thăng Long. Tam Điệp không chỉ là cảnh thiên nhiên đẹp mà còn là một di tích lịch sử nổi tiếng đã đi vào thơ văn của các thi sĩ, văn sĩ xưa nay.