Đình Kênh là một trong những ngôi đình cổ có quy mô to lớn, kiến trúc hoành tráng, nghệ thuật điêu khắc tinh tế, nằm trên đất làng Kênh, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng. Đình Kênh, nơi tưởng niệm An Hạ Vương Trần An Quốc, một trong những khai quốc công thần đời Trần, lập nhiều công trạng lớn, được vua Trần sủng ái. Đình Kênh còn gắn bó với bà Đàm Chiêu Trinh cùng Vương Phu Quân (An Hạ Vương), xây dựng thái ấp Hà Nội trong đó có làng Kênh. Đình cũng gắn bó với Thanh Hà đại vương, người đại diện lòng dân và chí trai hương binh thái ấp Hà Nội, anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông năm 1258. Ngoài ra đình còn thờ Nam Hải đại vương (An Dương Vương Thục Phán) và Đông Hải đại vương Đoàn Thượng. Tương truyền đình được xây từ thời Trần và được xây dựng lại vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Đình hiện tại kiến trúc theo kiểu chữ “công” (工) gồm ba toà, mười một gian. Toà tiền tế năm gian, kiến trúc kiểu chéo đao, tàu góc, nóc đắp ngạc long ngậm đại bờ. Bờ nóc đắp nổi hoa chanh, đao đắp song loan. Kiến trúc nội thất theo kiểu lòng thuyền tứ trụ, chồng cốn. Cốn thượng chạy suốt từ đỉnh cột cái tiền đến cột cái hậu dài 2,4m, cao 1m, hai mặt chạm hổ phù, ngậm chữ thọ lớn. Toà bái đường chạm mười bức hổ phù trên nóc, mười hai vì cốn tiền và hậu đều chạm tứ linh. Hệ thống mười đầu dư đồ sộ dài 1,6m, cao 0,35m, dày 0,3m. Góc hồi sau bên phải có hai con sơn chạm rồng thời Lê. Hàng cột cái hậu lắp ba gian cửa võng lớn, chia thành mười bốn ô trang trí, chính tâm chạm hổ phù, các ô khác chạm tứ linh, tứ quý. Riềm cửa võng chạm tứ bình. Toà ống muống ba gian, nối bái đường với hậu cung, kiến trúc theo lối lòng thuyền, chồng rường, đầu chạm hoa sen. Toà hậu cung ba gian, chạm vân mây, lá lật, hiên lắp ngưỡng đơn, ngạch đơn. Kiến trúc nội thất chồng cốn, chạm văn triện... Đình Kênh còn lưu giữ nhiều đồ tế khí như ba án thờ thời Nguyễn, ba sập thờ chân quỳ dạ cá, một cỗ kiệu bát cống, một cỗ khám gian lớn, ba cỗ ngai, ba bộ bát biểu và nhiều cuốn thư, đại tự, cây đèn, bát hương, độc bình...