Đình Tây Đằng thuộc làng Tây Đằng, huyện Ba Vì, thờ Tản Viên Sơn Thánh. Đình được xây vào nửa cuối thế kỷ XVI. Ngoài hai ngôi nhà tả mạc và hữu mạc ở hai bên sân, thì ngôi đình chỉ có một nếp, kiểu chữ “nhất” (一), không có hậu cung, không có tiền tế. Nhưng điều quý giá nhất của ngôi đình là nghệ thuật điêu khắc dân gian. Đình 5 gian, 4 chái, các góc đầu đao đều cong vút có gắn long, ly, quy, phượng bằng đất nung màu gan trâu. Tất cả các xà, kèo, cốn đều có chạm khắc, chủ yếu là hình rồng, phượng, hoa lá. Rồng ở đây phần lớn hình vóc nhỏ, có mắt, râu thưa, khúc uốn không cong nhiều, rồng có thêm cặp sừng và tai giống loài thú 4 chân, mang phong cách rồng đời Trần. Chim phượng được chạm theo lối phượng múa, cánh xòe cả hai bên như hình trăng lưỡi liềm, đầu to, cổ mập, mỏ ngắn, đuôi cũng ngắn. Đây là loại hình điêu khắc đặc biệt ít có ở các đình khác. Nhưng có lẽ độc đáo nhất trong nghệ thuật điêu khắc trang trí ở đây chính là những bức chạm trên các bức cốn, các ván long... phản ánh sinh động nhiều mặt của cuộc sống lao động, vui chơi của người dân lao động như cảnh tiều phu đốn củi, vất vả như người mẹ gánh con trong thúng, hào hứng như người làm trò trồng cây chuối.