Hồ Hoàn Kiếm

09:14 | 07/02/2018

Hồ Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm thành phố nên được ví như lẵng hoa đẹp giữa lòng Hà Nội ngàn năm văn hiến. Hồ gắn với truyền thuyết trả gươm của vua Lê. Tương truyền, Lê Lợi được thần giúp cho thanh gươm để đánh giặc Minh. Sau khi kháng chiến thành công, nhà vua du thuyền trên hồ gặp rùa vàng nổi lên, bèn trả lại gươm thần cho rùa. Từ đó hồ có tên là hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm.

Trước đây hồ rất rộng, từ Hàng Đào thông ra sông Hồng tới khu vực Hàng Chuối ngày nay, chia làm hai phần gọi là Tả Vọng và Hữu Vọng. Phần hồ hiện nay là hồ Tả Vọng cũ. Thời Lý - Trần có tên là hồ Lục Thủy, thời Lê Lợi gọi hồ Thủy Quân, dùng làm nơi duyệt binh, đua thuyền. Giữa hồ về phía Nam có gò Rùa, bởi thỉnh thoảng các cụ rùa thường lên gò phơi nắng. Chiếc cầu bắc qua hồ vào đền Ngọc Sơn gọi là cầu Thê Húc (đậu nắng ban mai). Cạnh cầu có ngọn Bút Tháp, trên thân tháp có tạc 3 chữ: “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh). Qua Bút Tháp là tới Đài Nghiên bằng đá, hình nửa quả đào, do 3 con ếch đá đội. Bên kia cầu Thê Húc là Đắc Nguyệt Lâu (lầu được trăng) và cũng là cổng của đền Ngọc Sơn. Trước đền là Trấn Ba Đình (đình chắn sóng). Phía Đông hồ có ngọn tháp Hoà Phong, di tích duy nhất còn lại của ngôi chùa Báo Ân, đã bị thực dân Pháp phá để xây nhà bưu điện.


Cũ hơn Mới hơn