Hương Tích là một quần thể kiến trúc và danh lam thắng cảnh nổi tiếng gồm một hệ thống hang động, đền chùa xen lẫn giữa màu xanh bất tận của núi rừng trùng điệp của huyện Mỹ Đức. Qua nhiều thế kỷ, Hương Tích “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”. Cảm cảnh Hương Tích, nhà thơ Tản Đà đã phác họa bức tranh sơn thủy của Hương Sơn: “...Chùa Hương trời điểm lại trời tô Một bức tranh tình trải mấy thu Xuân lại, xuân đi không dấu vết. Ai về, ai nhớ vẫn thơm tho”.
Năm tháng trôi qua, hết thế hệ này đến thế hệ khác, trải qua bao cuộc bể dâu, Hương Sơn vẫn xuân xanh trường tồn với thời gian. Đến Hương Sơn, du khách sẽ được thả hồn vào cái đẹp thanh cao, sắc hương đậm đà của non sông đất Việt trời Nam. Do sự xâm thực của thiên nhiên, bào mòn của nước, trong dãy núi Hương Sơn có nhiều hang động kỳ khu. Vào thăm hang động Hương Sơn ta có cảm giác như đang lạc vào chốn thiên thai, giữa một thế giới động vật ngàn năm hóa đá. Trong số những hang động đó, đáng chú ý nhất là: động chùa Tiên Sơn, động Hinh Bồng, động Hương Tích, động Hương Đài... Động Hương Tích là điểm chính của thắng cảnh Hương Sơn. Hình thể động như một con rồng khổng lồ đang há miệng. Vào năm Canh Dần (1770), khi chúa Trịnh Sâm tuần du qua đây, cảm trước vẻ đẹp của động đã tạc vào vách đá ở cửa động “Nam Thiên đệ nhất động” và người đời sau có thơ rằng: Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt. Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây.
Ngoài hệ thống hang động mà cũng là nơi thờ cúng Thần, Phật, Hương Tích còn có cả một loạt đền, chùa, miếu uy nghiêm như chùa Bảo Đài - Tuyết Sơn, chùa Long Vân, đền Trình, chùa Hương Trản, đền Đục Khê, đền Hữu Vĩnh, chùa Thiên Trù... Vãn cảnh chùa Hương, du khách không thể không đến Thiên Trù. Theo sử chép vào tháng Giêng năm Đinh Hợi (1467), vua Lê Thánh Tông tuần thú qua đây, cho quân dừng lại nghỉ qua đêm. Vua xem thiên văn, chợt thấy vùng này thuộc vào địa phận của sao Thiên Trù (sao chủ về ăn uống) nhân đấy đặt tên cho vùng này là Thiên Trù (Bếp Trời). Đối với Chu Mạnh Trinh, Thiên Trù đẹp vô ngần: Tiếng đâu văng vẳng chuông vàng, Khói đâu nghi ngút mùi nhang Thiên Trù. Còn nhà thơ Xuân Diệu thì: Thiên Trù một khoảng êm phơi phới, Núi ngắm nhau xanh một sắc hiền. Ngày nay chùa Hương là điểm du lịch trọng điểm của Hà Tây.
Lễ hội chùa Hương kéo dài hàng tháng, bắt đầu từ sau Tết Nguyên Đán. Khách thập phương đến lễ hội chùa Hương để lễ Phật, cầu phúc và trước hết là để được hoà mình vào thiên nhiên.