Khu di tích lịch sử đền Hùng, Phú Thọ

10:16 | 12/02/2018

Khu di tích lịch sử đền Hùng tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh cao 175m so với mặt biển, thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Phong Châu, cách thành phố Việt Trì 10km, cách thủ đô Hà Nội gần 100km (dọc theo quốc lộ 2). Đây là vùng đất Tổ Hùng Vương, nơi Nhà nước Văn Lang ra đời từ trước Công nguyên với 15 bộ lạc, dưới sự trị vì của 18 đời vua Hùng, đã dẫn dắt người Việt cổ từ thời kỳ đồ đá mới, qua sơ kỳ đồng thau, để vươn lên thịnh vượng trong giai đoạn văn hóa đồng thau và sắt sớm. Nhà nước Văn Lang ổn định, các vua Hùng đã có công xây dựng và phát triển một nền văn hóa mang sắc thái và tính cách núi rừng của người Việt. Chính nhờ gốc rễ bền vững đó mà qua bao thăng trầm lịch sử, kể cả hàng ngàn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ và tìm mọi cách đồng hóa, nhưng dân tộc Việt vẫn giữ gìn được bản sắc riêng, bản sắc dân tộc Việt, văn hóa dân tộc Việt cho đến ngày nay. Khu di tích lịch sử đền Hùng gồm nhiều công trình quan trọng. Ngay từ chân núi du khách sẽ bước qua cổng đền, trèo 225 bậc thang đá sẽ đến đền Hạ và chùa Thiên Quang Tự, được xây dựng từ thế kỷ XV. Tương truyền nơi đây bà Âu Cơ sinh được một bọc 100 trứng, nở thành 100 người con. Sau vợ chồng chia con, 50 con theo mẹ Âu Cơ lên núi, cha Lạc Long Quân dẫn 49 người con xuống biển, để lại người con trưởng làm vua hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, lập ra Nhà nước Văn Lang. Từ đó sinh sôi nảy nở ra các dân tộc Việt Nam ngày nay. Ngày 19-9-1954, trên đường về tiếp quản thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã ghé thăm đền Hùng. Tại dưới gốc cây Thiên tuế ở đền Hạ, Bác đã nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong: “Các vua Hùng có công dựng nước Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.” Từ đền Hạ leo lên 168 bậc nữa sẽ đến đền Trung (tức Hùng Vương Tổ miếu). Tương truyền đây là nơi các vua Hùng lập quán xá để nghỉ ngơi và bàn việc nước với các lạc hầu, lạc tướng. Tại nơi đây, vua Hùng thứ 6 cho thi món ăn ngon và Hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng (hình vuông, tượng trưng cho đất - theo quan niệm lúc bấy giờ quả đất vuông) và bánh giầy (hình tròn, tượng trưng cho trời). Từ đền Trung đi tiếp 102 bậc nữa sẽ đến đền Thượng, còn gọi là đền Thượng Kinh thiên linh điện (điện thờ Trời). Tương truyền, đây là nơi các vua Hùng thờ trời, thờ thần lúa. Vua Hùng thứ 6 lập miếu thờ Thánh Gióng - người có công đánh đuổi giặc Ân. Đây cũng là nơi vua Hùng thứ 18 truyền ngôi cho cháu là Thục Phán. Thục Phán An Dương Vương đã dựng hai cột đá thề rằng sẽ trông nom ngôi miếu và giữ gìn cơ nghiệp vua Hùng. Cách đền Thượng không xa là lăng vua Hùng. Tương truyền đây là lăng vua Hùng thứ 6. Sau khi Thánh Gióng đánh đuổi được giặc Ân bay lên trời, thì vua Hùng thứ 6 cũng cởi áo bào vắt lên cành kim giao rồi hóa ở đó. Đền Giếng nằm ở dưới chân núi Nghĩa Lĩnh về phía Đông Nam. Tương truyền hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con vua hùng thứ 18, thường chải tóc, chít khăn bên giếng này. Trên khu vực núi Nghĩa Lĩnh, các nhà khảo cổ học tìm thấy nhiều di vật và phế tích từ thời Văn Lang đến thời Đại Việt như rìu đá, giáo đồng, bát, đĩa gốm sứ, cột đá, thạp đất nung, gạch ngói... Đền Hùng là mảnh đất cội nguồn dân tộc Việt Nam ta, vì vậy hằng năm cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch, nhân dân khắp nơi trong cả nước đều về núi Nghĩa Lĩnh giỗ Tổ Hùng Vương. Trong dân gian đã có câu ca truyền tụng từ đời này sang đời khác: Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba.


Cũ hơn Mới hơn