Mai Châu (Hòa Bình), phố trong sương

10:40 | 05/01/2018

Xin được mượn lời 2 câu thơ trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” để nói về vẻ đẹp thuần khiết, mộc mạc mà hấp dẫn của đất và người Mai Châu (Hòa Bình). Vẻ đẹp ấy không hiện ra lồ lộ ngay trước mắt mà như nét duyên thầm nhìn lâu mới thấy…

Nét duyên thầm...

Nằm ở độ cao từ 200-1.500m so với mực nước biển nên quanh năm Mai Châu có khí hậu mát mẻ, trong lành. Ở Mai Châu, ngoài hai dân tộc Thái trắng và Mường còn có 5 dân tộc khác cùng sinh sống.

Do được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ hiếm có, hệ thống giao thông tương đối thuận lợi nên những năm gần đây, Mai Châu phát triển rất mạnh loại hình du lịch sinh thái và văn hóa. Điều đặc biệt là ở đây ai cũng biết làm du lịch, nhà nhà làm du lịch… với tất cả những gì họ vốn có.

Đặt chân đến Mai Châu, điều đầu tiên du khách nhìn thấy là những nếp nhà sàn xinh xắn nằm nép mình dưới thung lũng xanh tươi, bảng lảng trong làn sương núi mờ ảo. Nơi đây được mệnh danh là “phố trong sương” với nhiều thắng cảnh hấp dẫn du khách nhất tập trung chủ yếu ở bản Lác, Pom Coọng (xã Chiềng Châu) với một quần thể nhà sàn xưa rất đẹp và kiên cố bậc nhất. Nhà sàn vừa là nơi bà con các dân tộc đón khách đến tham quan, nghỉ ngơi, cũng là những sân khấu biểu diễn văn nghệ truyền thống và cũng là những “shop mini” giới thiệu các sản phẩm đặc trưng do chính bàn tay họ làm ra.

Mai Châu bảng lảng trong sương

Nhà sàn ở bản Lác, Pom Coọng được xây dựng theo một mô típ chung là chiều cao sàn nhà cách mặt đất khoảng 1,5m, làm bằng những cột gỗ chắc chắn; sàn nhà làm bằng bương, tre; nóc nhà lợp lá gồi, lá mây hoặc ngói. Nhà nào cũng có vài khung cửa sổ to, rộng mở để đón gió trời. Chung quanh nhà treo rất nhiều dò hoa lan hoa rừng đủ màu rực rỡ hay những món quà lưu niệm mang đậm bản sắc dân tộc như một cung tên, một cây sáo, một tấm khăn thổ cẩm hay giỏ bắt cua…

Đặc biệt, hầu như gia đình nào cũng có một khung cửi để dệt vải kê ngay dưới gầm sàn. Những khung cửi rất đơn sơ, mộc mạc và cũ kỹ nhưng đây chính là công cụ để những bàn tay khéo léo của các cô gái Thái dệt nên những tấm áo, tấm khăn thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Bao quanh mỗi nếp nhà sàn là những hàng cau thẳng tắp, những vuông ao nhỏ bốn mùa các loài cá tung tăng bơi lội, tô điểm thêm cho cuộc sống sinh động nơi đây.

Đứng bên khung cửi xem những cô gái Thái dệt vải, không ít người trầm trồ khi thấy từng nét hoa văn dần hiện ra dưới đôi bàn tay đưa thoi thoăn thoắt. Vừa dệt, các thiếu nữ vừa trò chuyện với du khách bằng giọng nói nhẹ nhàng, nụ cười e ấp, thân thiện. Không chỉ dệt vải, họ còn có thể sáng tạo ra rất nhiều mẫu túi xách, mũ, vòng tay, khăn piêu, quần áo, váy… đẹp và độc đáo, đến nỗi khi ra về không ai là không mua cho mình một sản phẩm để làm quà cho người thân.

Mai Châu không chỉ quyến rũ du khách bằng vẻ đẹp mộc mạc của núi rừng vẻ e ấp của những sơn nữ mà còn hấp dẫn bởi những tấm lòng ấp áp nghĩa tình của người dân nơi đây.

Mặc dù đã có nhiều năm làm dịch vụ du lịch, nhưng sự xô bồ của đồng tiền, của miếng cơm manh áo hầu như không làm mất đi sự thật thà, chân chất của những người dân tộc vùng núi này. Cung cách đón khách cũng là điều hấp dẫn với nhiều du khách, nhất là du khách nước ngoài.

Đến đây, du khách sẽ được chủ nhà mời ngồi trên chiếc chiếu hoa được đặt trang trọng ở giữa nhà. Sau đó khách sẽ được chủ nhà mời uống rượu cần, ăn cơm lam với thịt nướng, kèm theo rất nhiều món ăn dân tộc mà bất kỳ ai từng một lần nếm thử sẽ không thể nào quên như gà gói lá dong nướng, cá suối hấp, măng đắng xào, xôi nếp nương…

Đêm đến, du khách lại được hòa mình trong không gian của người Thái với những điệu xòe, những câu ca đằm thắm và điệu nhạc tình tứ, mê đắm lòng người hay cùng người bản địa nhảy sạp đến vã mồ hôi. Cứ mỗi khi kết thúc một làn điệu, cả chủ và khách lại cùng nhau tụ tập một góc để thưởng thức vị ngọt ngào của rượu cần ủ bằng các loại lá rừng. Trong ánh lửa bập bùng, những đôi má thiếu nữ như hồng hơn nhưng không phải bởi say men rượu mà là say tình người, say trước ánh mắt nồng nàn của khách lạ.

Độc đáo lễ hội chá chiêng

Cùng với những lễ hội quen thuộc như cầu mùa, cầu mưa, mừng cơm mới… của mảnh đất sản sinh ra kho tàng sử thi dân gian, lên Mai Châu lần này chúng tôi có may mắn khi được tham dự lễ hội chá chiêng của người Thái, hay còn gọi là lễ hội tạ ơn thần linh của các thầy mo.

Trong cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng người Thái, thầy mo có vai trò hết sức quan trọng, vừa là người có hiểu biết rộng, vừa là người cai quản bản mường theo cách riêng của dân tộc họ cùng với quan chức hành chính nên được mọi người tôn xưng là “con trời”. Theo họ, thầy mo là người có khả năng giao tiếp với thần linh và có sức mạnh trấn quỷ, trừ ma. Thầy mo được ma nhập vào thì gọi là Mùn Luông. Cứ 3 năm, Mùn Luông lại tổ chức lễ tạ ơn để mời quan quân ở “mường trời” xuống “mường trần” ăn cỗ, gọi là lễ hội chá chiêng.

Lễ hội thường được tổ chức vào đầu mùa xuân, khi cây mạ đã lên xanh, hoa trái nở đầy cành với vài chục mâm cỗ thịnh soạn, diễn ra trong 2-3 ngày. Trong lời khấn của thầy mo thường có câu: “Xuống ăn chiêng hoa mạ/ Xuống ăn chá cỗ tết hoa ban…”.

Trước ngày diễn ra lễ hội, nhà của thầy mo là nơi được trang hoàng rất sặc sỡ bằng những tấm vải thổ cẩm đẹp nhất, lung linh nhất xóm. Ở giữa nhà thầy mo cắm một cây hoa, gọi là hoa chá, trụ cây là một cột tre cao, trên cùng treo bông hoa bua giùa tượng trưng cho sự linh thiêng và sức mạnh vô địch của Mùn Luông. Trên bàn thờ, người ta bày rất nhiều đồ vật như cày, bừa, con dao và những con vật tượng trưng cho trâu, bò, lợn, gà… để thầy mo cúng khấn cầu thần linh.

Ngoài việc xin thần linh ban cho phép thuật và sức mạnh, các thầy mo còn hát múa để xua đuổi ma quỷ, cầu may cho dân bản được hưởng nguồn nước trong lành, con người và con vật quanh năm khỏe mạnh, cây cối xanh tươi…

 


Cũ hơn