Phố Hiến cách Thăng Long hơn 50km về phía Nam, nơi dải đất hơi cao này đã có cư dân sinh sống từ lâu, chủ yếu làm ruộng và chài lưới. Đó là Bến Vạn, tên gọi Chợ Vạn (tức Vạn Chài) nói lên đây là tụ điểm dân cư sông nước. Thế kỷ X, vùng Xích Đằng là khu vực hùng cứ của Sứ quân Phạm Phòng Át.
Thế kỷ XIII, một số người Hoa lánh nạn quân Nguyên - Mông xâm lược đã phiêu dạt đến đây lập ra làng Hoa Dương và các làng Lương Điền, Phương Cái, Mậu Dương... Khi nhiều làng mọc lên, thì cũng là lúc xuất hiện chợ, bến sông.
Đến đầu thế kỷ XVII, Phố Hiến trở thành một đô thị có nhiều dinh thự quan lại, binh lính và cảng thương gia đến buôn bán, làm ăn ngày càng nhiều. Văn bia chùa Thiên Ứng dựng năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625) viết: “Hiến Nam danh thị tứ phương đô hội tiểu Trường An dã” (Phố Hiến nổi tiếng là nơi đô hội tiêu biểu Trường An của phố phường).
Chính chữ “Hiến” trong Hiến Nam hay Hiến Danh là cơ quan hành chính của trấn Sơn Nam. Đó là lý do địa điểm này có tên là Phố Hiến. Thời ấy phạm vi Phố Hiến gồm từ Đằng Châu xã Lam Sơn đến Nễ Châu huyện Tiên Lữ ngày nay. Như vậy Phố Hiến kéo dài trên 5 km dọc sông Hồng.
Trung tâm Phố Hiến thuộc khu Dốc Đá ngày nay, nơi có thương điếm của người nước ngoài. Nét đặc sắc của Phố Hiến là trong 20 phường có 8 phường làm nghề thủ công. Hoạt động tấp nập của Phố Hiến chỉ tồn tại được 64 năm, tính theo thời gian từ khi mở đến khi đóng thương quán của Công ty Đông Ấn Hà Lan, là công ty có mặt ở đây sớm nhất và thịnh đạt nhất trong số các công ty phương Tây. Sự suy tàn của Phố Hiến có nhiều nguyên nhân. Trước tiên do sông Hồng đổi dòng.
Vào đầu thế kỷ XVIII, lụt lớn đê sông Hồng bị vỡ. Sông Hồng chảy cách xa Phố Hiến 2km. Sự thay đổi tự nhiên ảnh hưởng đến vị thế kinh tế, chính trị của Phố Hiến. Theo quyết định của triều Lê - Trịnh, do dòng sông đổi dòng, nên bến đò lớn của trấn Sơn Nam (Phố Hiến) cũng không quan trọng nữa, đổi đi nơi khác. Điều quan trọng nữa là kinh tế thế giới có sự thay đổi lớn. Kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh. Hàng hóa Trung Quốc được xuất đi nhiều nước. Là một nước chậm tiến, hàng hóa của ta lạc hậu, không có sức thu hút khách hàng quốc tế.
Phố Hiến ngày nay còn giữ được cho mình một quần thể kiến trúc gồm 60 di tích lịch sử, 100 bia ký và nhiều đền, chùa...