Bảo tàng Cách mạng ở 25 Lý Tự Trọng, quận 1, được xây vào năm 1885, do kiến trúc sư người Pháp A. Foulhou thiết kế và hoàn thành vào năm 1890. Lúc đầu ngôi nhà này được gọi là Bảo tàng Thương mại, trưng bày các sản phẩm Nam Kỳ. Nhưng khi xây xong, Thống đốc Nam Kỳ lấy làm tư dinh. Sau đó, ngôi nhà này lần lượt làm dinh Thống đốc Nhật Minôda, dinh Khâm sai đại thần Nguyễn Văn Sâm, rồi là trụ sở UBHC lâm thời Nam Bộ, trụ sở Cao uỷ Cộng hoà Pháp, dinh Thủ hiến Nam Kỳ Trần Văn Hữu, dinh Thủ hiến Nam Phần và dinh Gia Long của Ngô Đình Diệm. Năm 1963, trong cuộc đảo chính, Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu đã theo đường hầm trong ngôi nhà này chạy trốn lên Nhà thờ Cha Tam. Đường hầm này được khởi công xây dựng tháng 3-1962, ở phía sau dinh, tiếp giáp với sân quần vợt, hoàn thành vào ngày 28-10-1963. Hầm có chiều dài 33m, rộng 7m, cao 2,2m, có 6 lỗ thông hơi. Trong hầm có 6 phòng. Nắp hầm bằng bê tông cốt sắt, trên đổ một lớp đất dày 1 thước trồng hoa kiểng. Hầm có 2 lối lên lô cốt phía sau. Trong dinh có hai lối xuống, có bốn lối lên: hai lối lên lầu, hai lối lên tầng trệt. Dưới thời Nguyễn Văn Thiệu, ngôi nhà này dùng làm trụ sở Tối cao Pháp viện. Ngày 12-8-1978, ngôi nhà này được dùng làm Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh.