Đình Long Hưng, Tiền Giang

11:48 | 22/02/2018

Đình Long Hưng còn gọi là Miếu Chánh, được xây dựng cách đây hơn 150 năm, nằm bên bờ kênh Nguyễn Tấn Thành, thuộc ấp Long Thành, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, cách thành phố Mỹ Tho 12km về phía Tây, cách quốc lộ 1A 2,5 km về phía Nam. Đình Long Hưng là nơi thờ cúng chính của làng nên nhân dân quen gọi là Miếu Chánh. Kiến trúc đình theo kiểu chữ “công” (工), quay mặt về hướng Đông, trước đình dựng một bình phong cao 1,5m, hai bên có hai miếu thờ. Đình gồm: đình chính và nhà cầu với diện tích 9.200m2. Cột đình làm bằng gỗ tròn có đường kính 0,3m, đặt trên tảng đá kẻ hình cổ bồng, cao 0,5m. Mái lợp ngói âm dương. Hai đầu bờ nóc đình gắn hai con rồng bằng sứ chầu mặt trời (lưỡng long chầu nhật). Các đầu đao ở bốn góc đình đều được đắp nổi hình cá hóa rồng. Nền đình đắp cao 0,5m, lát gạch hoa. Chung quanh để trống không thưng vách. Chỉ đình chính có vách gỗ thủng. Năm 1961, đình bị sụp đổ hoàn toàn. Năm 1987, đình được xây dựng lại trên diện tích 129,6m2, theo kiểu tứ trụ, mái lợp ngói âm dương, chung quanh xây tường bao bọc, gồm điện chính thờ cúng và nhà võ ca. Đình thờ các vị Thành hoàng và còn thờ Tả quân Lê Văn Duyệt, một khai quốc công thần của triều Nguyễn, quê ở Long Hưng.

Đình Long Hưng không chỉ là nơi thờ cúng, mà là một di tích lịch sử cách mạng, nơi đặt bản doanh của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), và cũng là nơi treo lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên ở vùng đất Nam Bộ. Chính quyền cách mạng tỉnh Kiên Giang cũng đã ra đời tại nơi đây.


Cũ hơn Mới hơn