Tỉnh Sóc Trăng là vùng đất bồi, thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cách Thành phố Hồ Chí Minh 231km, có diện tích tự nhiên 3.191km2, gồm nhiều dân tộc: Kinh, Khơme, Hoa.
Sóc Trăng có 72km bờ biển với khí hậu đại dương và có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình cả năm là 26-28 độ C. Sóc Trăng là tỉnh nông nghiệp có diện tích trồng trọt lên tới 259.799ha.
Sóc Trăng hấp dẫn khách du lịch với hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển như rừng tràm ở vùng đất phèn, trũng. Du lịch Sóc Trăng không thể không ghé qua các cù lao cây trái xum xuê - nơi có đủ các loài cây trái của xứ nhiệt đới dọc theo hai bên dòng sông Hậu.
Các địa danh nhất định phải đến khi đi du lịch Sóc Trăng
Cồn Mỹ Phước
Cồn Mỹ Phước hay còn gọi cồn Công Điền nổi lên giữa lòng sông Hậu hiền hoà, được phát triển thành vùng du lịch sinh thái hạ lưu sông Hậu. Từ thị xã Sóc Trăng, du khách đi thuyền máy độ chừng nửa giờ là có thể đặt chân lên cồn Mỹ Phước, nếu không thích đi thuyền máy, khách du lịch có thể chọn đi đường bộ theo quốc lộ 60 từ thị xã. Hằng năm cứ đến ngày 5 tháng 5 âm lịch là ngày lễ hội, thu hút mọi người về thăm đất cồn.
Vườn nhãn Vĩnh Châu
Nếu miền Bắc nổi tiếng với nhãn lồng Hưng Yên thì người dân miền Nam lại vô cùng yêu thích nhãn Vĩnh Châu bởi cùi dày, thơm ngon và nhiều nước. Vườn nhãn Vĩnh Châu kéo dài hơn 17km trên một khu đất cao ráo. Du khách đến thăm Vĩnh Châu, nhà vườn nào ở Vĩnh Châu cũng sẵn lòng đón tiếp bạn đi tham quan vườn nhãn nhà mình và tận tay bạn hái những quả ngon từ trên cành, còn tươi rói. Đến Vĩnh Châu, bạn còn có cơ hội thăm ruộng muối, vuông tôm, rừng ngập mặn.
Khu văn hóa du lịch Bình An
Khu văn hóa du lịch Bình An là hình ảnh thu nhỏ của miền cao nguyên, xứ sở của cà phê, chim ch’rao, với những thảm cỏ xanh, những ngôi nhà nghỉ xinh xắn, thoáng mát với trang thiết bị nội thất cực kỳ hiện đại, đầy đủ tiện nghi. Khu du lịch nằm cạnh quốc lộ 1A, phường 2, thị xã Sóc Trăng với các công trình kiến trúc nghệ thuật mang hình dáng cổ kính với những tác phẩm điêu khắc dân gian, đậm nét văn hóa dân tộc...Đến Bình An, du khách sẽ được nghe hát, thưởng thức những làn điệu dân ca, đàn ca tài tử Nam Bộ.
Bảo tàng Khơme
Bảo tàng Khơme có niên đại tròn 80 năm, tọa lạc tại trung tâm thị xã Sóc Trăng. Khám phá Bảo tàng Khơme, du khách có cơ hội hiểu sâu hơn về nền văn hóa Khơme cổ với rất nhiều hiện vật như các dụng cụ sản xuất, các trang phục cưới xin, các kiểu nhà ở, mô hình chùa Khơme và một số loại nhạc cụ dân tộc Khơme.
Vườn cò Tân Long - Thạch Trị
Với những du khách yêu thích loại hình du lịch sinh thái thì Vườn cò Tân Long là điểm đến không thể bỏ qua. Vườn cò nằm ở xã Long Bình, huyện Thạch Trị, cách thị xã Sóc Trăng khoảng 40km, rộng trên 15.000m2, là nơi cư ngụ của nhiều loài cò, trong đó có cả các loài quý hiếm. Du khách đến vườn cò sẽ được leo lên tháp cao khoảng 10m để ngắm nhìn đàn cò mỗi sáng bay đi kiếm ăn, chiều tối bay về tổ ấm. Và mỗi lần như vậy, cả không gian nơi đây bỗng nhiên náo động bởi tiếng kêu gọi bạn đời của họ hàng nhà cò.
Các lễ hội không nên bỏ qua khi đi du lịch Sóc Trăng
Du lịch Sóc Trăng không chỉ hấp dẫn khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên dung dị, gần gũi mà còn bởi rất nhiều lễ hội độc đáo, đặc trưng, giàu tính nhân văn. Thanglongtour xin giới thiệu ba lễ hội nổi bật trong số đó:
Lễ hội Nghinh Ông
Lễ hội Nghinh Ông là ngày lễ mang đậm tính truyền thống của những ngư dân miền biển Sóc Trăng. Hằng năm lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào ngày 21 tháng 3 âm lịch tại vùng biển Kinh Ba, Long Phú để tỏ lòng kính trọng với thần sông, thần biển và cầu mong mưa thuận gió hoà, sóng yên biển lặng. Vào ngày hội, tất cả thuyền bè đều được trang hoàng lộng lẫy cùng những thức cúng như heo quay, hoa quả, nhang đèn... tập trung ra cửa biển làm lễ rước Ông vào. Các nghi lễ cúng tế được tổ chức long trọng tại lăng Ông (lăng cá voi). Trước và trong ngày hội, tại lăng Ông còn tổ chức hát bội, các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao... có nhiều người tham gia.
Lễ Ok Om Bok
Lễ Ok Om Bok còn gọi lễ cúng Trăng của đồng bào Khơme Nam Bộ nói chung đồng bào Khơme Sóc Trăng nói riêng. Lễ hội hằng năm được tổ chức vào hai ngày 14 và 15 tháng 10 âm lịch. Đây là lễ hội rộn rã nhất, tưng bừng nhất của người Khơme. Đối với người Khơme, Trăng được xem như là một vị thần điều tiết mùa màng giúp họ làm ăn phát đạt trong năm. Lễ vật cúng tế trong ngày lễ là lúa nếp giã thành cốm dẹp cùng các loại trái cây.
Trong ngày hội có tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian: hát dukê, múa lăm vông, thi đấu cờ ốc, thả đèn nước... đặc biệt đua ghe Ngo. Đây là một hoạt động văn hóa thể thao không thể thiếu trong lễ hội Óc Om Bók. Ghe Ngo có chiều dài khoảng 24m, ngang 1,2m, mũi và lái đều cong lên, được trang trí hoa văn Khơme rất đẹp, đầu ghe vẽ hình con thú. Mỗi chiếc ghe Ngo sản xuất ra là do sự đóng góp của bà con phum sóc. Sau khi dùng đua trong ngày hội, ghe Ngo được đưa về bảo quản tại chùa. Hằng năm chỉ được đưa xuống nước một lần trong ngày hội Óc Om Bók. Lễ hạ thủy ghe Ngo hằng năm trong lễ hội Óc Om Bóc cũng rất công phu và tốn kém. Trước ngày hội, các chàng trai được chọn vào đội đua được tập dượt kỹ lưỡng. Người được chọn ngồi ở mũi thuyền để chỉ huy là người có uy tín nhất trong phum sóc.
Tết Chol Chnam Thmay
Tết Chol Chnam Thmay là tết cổ truyền của người Khơme, mừng mọi người thêm một tuổi, thường diễn ra vào 3 ngày 13, 14, 15 tháng 4 dương lịch. Tết Chol Chnam Thmay mang đậm nét văn hóa truyền thống với nhiều nghi thức văn hóa dân gian. Vào những ngày này, mọi người trong gia đình người Khơme đều lên chùa để cầu nguyện, sau đó mọi người về nhà tổ chức lễ tắm tượng Phật thờ ở nhà, xin ông bà, bố mẹ đã qua đời, tha thứ cho mọi tội lỗi năm qua và dâng quà chúc mừng mọi người năm mới.
Du khách đến Sóc Trăng du lịch rất dễ phải lòng cái chất hồn hậu của con người cũng như cảnh vật thiên nhiên nơi đây.