Ngày 26-4-2003, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XI đã thông qua Nghị quyết về việc chia tỉnh Đắk Lắk trước đây thành tỉnh Đắk Lắk (mới) và tỉnh Đắk Nông.
Tỉnh Đắk Lắk (mới) có diện tích tự nhiên 1.306.201ha và dân số hiện tại 1.666.854 người, bao gồm diện tích, dân số của thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh lỵ) và các huyện Ea Sup, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Buk, Ea H’leo, Krông Năng, M’Đrăk, Ea Kar, Krông Pắk, Krông Bông, Krông Ana và Lắk.
Tỉnh Đắk Lắk thuộc Nam Tây Nguyên, nằm trên cao nguyên Đắk Lắk, một trong 3 cao nguyên lớn của Tây Nguyên, có độ cao trung bình từ 400-600m so với mực nước biển, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em: Kinh, EÂđê, M’nông, Nùng, Tày...
Phía Đông giáp tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên, phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai, Nam giáp tỉnh Đắk Nông, Tây giáp Campuchia.
Đắk Lắk có vùng đất bazan rộng lớn và tương đối bằng phẳng, rất màu mỡ, thích hợp cho các loại cây công nghiệp, thực phẩm như cà phê, ca cao, hồ tiêu, hạt điều, cao su, bông... Điều kiện tự nhiên của Đắk Lắk rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện. Hiện nay toàn tỉnh có 210.000ha cà phê với sản lượng trên 350.000 tấn nhân mỗi năm, nhiều nhất nước. Sản lượng cà phê của tỉnh chiếm tỷ trọng 70% tổng giá trị kinh tế ngành nông nghiệp. Diện tích cao su khoảng 25.000 ha với sản lượng mủ khai thác 17.000 tấn mủ khô/năm. Diện tích cây bông vải đạt 12.000ha, cao nhất nước. Tuy vậy, ngành công nghiệp phát triển khá chậm. Công nghiệp tỉnh chủ yếu thuộc lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm với quy mô vừa và nhỏ. Đắk Lắk có trữ lượng gỗ dồi dào, nhiều động vật quý hiếm, đặc biệt là có hơn 300 con voi. Khí hậu ôn hoà, nhiệt độ trung bình cả năm là 240C. Có hai mùa khô và mưa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình năm là 1.700-2.000mm.
Giới thiệu tỉnh Đắk Lắk
12:02
|
03/02/2018