Nhà mồ Tây Nguyên, Kon Tum

10:06 | 09/02/2018

Tùy từng dân tộc có những nhà mồ khác nhau. Nhưng theo phong tục chung, trong một gia đình nào đó có người chết sau khi đã chôn cất, người ta dựng ngay trên ngôi mộ một chòi nhỏ sơ sài làm bằng tranh tre để che mưa che nắng cho người đã khuất. Trong chòi đặt một số đồ dùng của người chết, và ngày ngày gia chủ vẫn đưa bát cơm ra mộ. Vì đồng bào Tây Nguyên quan niệm khi chết, con người vẫn tiếp tục sống ở thế giới khác. Và sau hai hoặc ba năm, gia đình người chết phá chòi cũ đi và dựng một ngôi nhà mồ đẹp có trang trí màu sắc, có đặt tượng gỗ và xây hàng rào chung quanh nhà mồ. Theo quan niệm của người Ba Na, khi xây nhà mồ cho người chết là để tiễn đưa họ sang thế giới bên kia. Tượng nhà mồ Tây Nguyên rất sống động, đặt quanh nhà mồ. Đây là một dòng nghệ thuật cổ của người dân Tây Nguyên. Tượng nhà mồ có thể gồm ba loại: về thế giới con người, những con vật gần gũi với con người như voi, chó, trâu... và những sinh hoạt như thể thao, văn nghệ, săn bắn... Lệ phá chòi cũ làm nhà mồ thường tiến hành vào mùa xuân, và đó là một lễ hội có quy mô lớn của đồng bào Tây Nguyên, gọi là lễ Bỏ mả, tiếng dân tộc là lễ “Pơ Thi”. Mọi người trong buôn tập trung ở nghĩa địa cùng với rượu thịt và các đồ cúng lễ. Trong lễ bỏ mả có múa cồng chiêng.


Cũ hơn Mới hơn