Rừng Cát Tiên nằm gọn trong đoạn uốn khúc của sông Đồng Nai thuộc lãnh thổ của ba tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng. Còn khu rừng Nam Cát Tiên là phần cuối cùng và cao nhất thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, có diện tích 36.000ha, nơi có hệ động thực vật điển hình của Nam Bộ: hơn 600 loài thực vật bậc cao, hơn 100 loài cây gỗ quý, hàng trăm loài cây dược liệu, hơn 60 loài phong lan. Về động vật có 240 loài chim, trong đó có những loài chim quý hiếm như trĩ lông đỏ, cò quắm xanh, tê giác một sừng...
Rừng Nam Cát Tiên khá đa dạng: vừa có đồi núi lại có bãi bồi ven sông, vừa có các trảng rộng lớn bằng phẳng, lại có dòng sông chảy dốc đứng. Vào mùa mưa, những dòng suối vốn dĩ hiền hoà, giờ trở thành các dòng thác hung dữ, chảy xiết đổ nước trắng xóa trên các triền đá lớn. Ở đây có nhiều bãi tắm suối tự nhiên với những bãi cát vàng rộng lớn. Huyền thoại kể rằng, nơi đây xưa kia các nàng tiên thường xuống hạ giới để vui đùa và tận hưởng dòng nước mát, nên được gọi “Nam Cát Tiên”. Giữa dòng sông rộng lớn, thỉnh thoảng nổi lên những hòn đảo nhỏ chạy dài theo con nước. Trên đảo là rừng cây cổ thụ, dưới tán lá sum suê là thảm cỏ xanh mềm mại, rất thích hợp cho việc cắm trại. Bên phải của con đường băng qua rừng Nam Cát Tiên là thác Trời, một ngọn thác kỳ thú, hùng vĩ nhất của rừng Nam Cát Tiên. Tiếp tục cuộc hành trình xuyên rừng, du khách sẽ tới Bàu Sấu, một vũng nước rộng nhất, sâu nhất, nằm ở trung tâm rừng quốc gia Nam Cát Tiên. Bàu Sấu có nhiều loại cá, đặc biệt loại cá sấu nước ngọt, chung quanh bàu là nơi sinh sống của nhiều đàn chim, như công, trĩ, gà lôi, mòng két, le le... Rừng Nam Cát Tiên là khu rừng nguyên sinh tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới vùng thấp.