Tháp Nhạn tọa lạc trên đỉnh núi Nhạn, quanh năm soi bóng nước sông Đà Rằng, thuộc phường 1, thị xã Tuy Hoà. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ của người Chăm. Tháp Nhạn được xây dựng vào cuối thế kỷ XI. Cũng như các tháp Chàm khác, tháp Nhạn là một ngôi đền có hình dáng tượng trưng cho ngọn núi Mêru - trung tâm vũ trụ (theo quan niệm của đạo Bàlamôn), nơi hội tụ của tinh thần. Tháp có bình đồ vuông, mỗi cạnh dài 10m, cao 25m, với ba bộ phận chính: đế, thân và mái. Cửa chính mở về hướng Đông. Mái tháp có 3 phần thu nhỏ dần về phía đỉnh theo kiểu giật cấp. Đỉnh tháp là một Linga bằng đá hình chóp. Trong lòng tháp tường xây thẳng đứng cao vút từ mặt bằng lòng tháp cho đến hết phần thân. Phần mái tường được xây thu nhỏ dần cho đến đỉnh tạo thành hình chóp nón. Chất liệu để xây tháp là gạch và một số mảng trang trí bằng đá sa thạch. Gạch xây được xếp liền khít nhau, không có mạch hồ, nhưng lại kết dính rất vững chắc. Toàn bộ tháp được trang trí, chạm khắc những hoa văn rất phong phú, kỹ thuật chạm khắc tinh vi, đường nét mềm mại. Tháp Nhạn được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 16-11-1988.