Chùa Thiên Mụ, Thừa Thiên - Huế

11:19 | 22/02/2018

Chùa Thiên Mụ còn gọi là chùa Linh Mụ, tọa lạc trên gò đất Thiên Mụ, xã An Ninh, cách kinh thành Huế khoảng 7km về phía Tây. Chùa được xây vào năm Tân Sửu (1601), thời chúa Nguyễn Hoàng. Ở xã An Ninh có một gò đất cao hình rồng, trông ra sông Hương, tương truyền ngày xưa có người trông thấy một bà già mặc quần áo xanh đỏ ngồi trên gò nói: “Phải có người tới dựng chùa ở đây mà thu góp khí thiêng để giữ vững long mạch”. Từ đó gò đất này có tên Thiên Mụ (tiếng Huế: mụ = mẹ, bà già) và ngôi chùa xây trên gò này được gọi là chùa Thiên Mụ. Chùa đã qua nhiều lần trùng tu. Năm 1665, Chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu. Năm 1701, Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quả đại hồng chung cao 2,5m, nặng 3.385 cân. Năm 1715, Chúa cho dựng tấm bia cao 2,85m, rộng 1,2m đặt trên lưng rùa bằng đá cẩm thạch. Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) cho xây tháp Phúc Duyên ở chính giữa ngoài cửa Nghi Môn gồm bảy tầng, cao 21m. Mặt phía Nam mỗi tầng tháp có một cửa cuốn đặt tượng Phật như một khám nhỏ. Riêng tầng trên cùng đặt ba pho tượng (trước bằng vàng đã bị mất, nay thay bằng đồng). Năm 1943, chùa bị hư hỏng nặng. Năm 1945, Hoà thượng Thích Đôn Hậu cho đại trùng tu. Từ năm 2003, Trung tâm bảo tồn di tích Huế đã cho trùng tu. Trong quá trình sửa chữa đã phát hiện, mặt ngoài của các ô đề thơ (chữ Hán), trên còn có những bài thơ chữ Hán khác. Do để bảo vệ công trình, nhà chùa đã dùng một lớp dầu nhớt quét lấp.


Cũ hơn Mới hơn