Đền Cả, Can Lộc, Hà Tĩnh

11:45 | 07/02/2018

Đền Cả còn gọi đền Lớn hoặc Tam Toà Đại Vương ở xã Ích Hậu, huyện Can Lộc. Đây là khu vực Lý Nhật Quang, hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, được cử giữ chức Tri Châu nhiều năm ở vùng Nghệ - Tĩnh. Ông có công tổ chức khai phá lưu vực sông Lam, sông La và ven núi Hồng Lĩnh. Từ năm Canh Ngọ (1030) đến năm Bính Tý (1036), Lý Nhật Quang cùng hai vương hầu Lý Đạo Thành, Lý Thái Giai hướng dẫn nhân dân vùng Tây Nam Hồng Lĩnh khai hoang lập ấp, trong đó có làng Kẻ Ngật. Đến đời Lê, nhân dân lập đền thờ trên nền đất mà ông đã đóng quân, gọi là “Tam Toà Đại vương”. Về sau đền còn thờ hai vị tiếp tục công việc của ba vị họ Lý là Trần Quang Khải và Trần Khánh Dư. Ba toà ngôi đền được xây vào những thời điểm khác nhau. Thượng điện do Tiến sĩ Nguyễn Đức Mậu người làng Ích Hậu, được vua Lê Thánh Tông giao cho xây dựng vào niên hiệu Hồng Đức năm thứ 6, tức là năm Giáp Ngọ (1475), lấy tên Điện Xuân Đài. Trung Điện do vua Lê Thế Tông giao cho Tiến sĩ Nguyễn Văn Giai, cũng người làng Ích Hậu, chỉ huy xây vào niên hiệu Quang Hưng năm thứ 6 (1583). Hạ Điện dựng năm Đinh Sửu (1877) dưới triều vua Tự Đức. Kiến trúc đền Cả theo chữ “tam” (三). Hạ Điện có kích thước dài 11,9m, rộng 9,5m, gồm 5 gian, 2 hồi. Hai đầu xây tường bịt nóc, kiến trúc theo kiểu “tiền bông, hậu bẫy”, gồm 6 cột cái, 8 cột quân. Trung Điện được xây trên diện tích 13m x 7m, gồm 3 gian, 4 mái. Mặt trước, bờ nóc nhà có hình lưỡng long chầu nguyệt, đắp nổi, ghép sành sứ, các góc mái có đầu đao. Nhà cầu nối Trung Điện với Thượng Điện. Mọi kiến trúc tôn giáo thời Hậu Lê đều có nhà cầu, vừa làm tăng vẻ bề thế, vừa đảm bảo sự kín đáo, thâm nghiêm của ngôi đền. Nhà cầu kiến trúc theo kiểu gác chuông, 2 tầng, 6 mái. Thượng Điện dựng trên mặt bằng 6,6m x 5,2m, kiến trúc theo kiểu tam oai, tứ trụ, gồm 16 cột, 3 gian, 4 vì kèo, 2 hồi xây tường bịt nóc. Đền Cả là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cổ có giá trị nhiều mặt. Đền được sửa chữa qua nhiều lần vào các năm 1961 và 1983.


Cũ hơn Mới hơn