Địa đạo Vĩnh Mốc là một công trình độc đáo được hình thành từ những năm 1965-1966 trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Địa đạo Vĩnh Mốc có độ dài hàng ngàn mét, nay chỉ còn khoảng 1.701m, cùng hàng ngàn mét giao thông hào chiến đấu. Địa đạo là một hệ thống liên hoàn được kết nối với nhau bằng 13 cửa ra vào, trong đó có bảy cửa thông ra biển, sáu cửa thông lên đồi cao. Cấu trúc địa đạo chia làm ba tầng, tầng sâu nhất cách mặt đất 23m. Các tầng được nối với nhau bởi đường trục chính dài 768m, cao từ 1,6-1,8m, rộng từ 1,2-1,5m. Hai bên trục chính cứ 3-5m là các ô của hộ gia đình. Toàn địa đạo có một hội trường lớn với sức chứa từ 50-80 người dùng làm nơi hội họp, chiếu phim, biểu diễn văn nghệ, có trạm phẫu thuật, có nhà hộ sinh, nhà trẻ...
Ngoài ra, địa đạo còn có bốn giếng thông hơi, hai đài quan sát và ba giếng nước. Địa đạo Vĩnh Mốc là hình ảnh thu nhỏ của làng quê được xây dựng dưới lòng đất, làm nơi ăn ở, sinh hoạt, phòng tránh bom đạn cho nhân dân, vừa là nơi đóng trụ sở của chính quyền, kho hậu cần, cất giữ lương thực, vũ khí chi viện cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam và cũng là trận địa chiến đấu trực tiếp để bảo vệ Vĩnh Linh, đất thép kiên cường.