Điện Lam Kinh, thuộc khu di tích Lam Sơn, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, đã bị phá hủy hoàn toàn, nay chỉ còn nền điện với các bậc thềm đá, đặc biệt ở thành bậc đi lên dãy nhà sau cũng được chạm hình rồng. Rồng ở tư thế xoải bước. Chân trước vuốt râu, đầu rồng trông có vẻ dữ, có bờm tóc dài, mình ngắn, ít uốn khúc, đường vây chạy dọc sống lưng. Trên mình rồng thỉnh thoảng điểm một vài đám mây có hình dáng mềm mại và rồng xoải bước đi trên sóng. Rồng ở điện Lam Kinh rất giống rồng ở điện Kính Thiên, trong Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), vì đều được chạm khắc theo phong cách nghệ thuật thời Lê. Muốn vào khu chính điện Lam Kinh, phải qua Ngọ Môn và sân rồng. Ngọ Môn là một kiến trúc hoành tráng gồm hai tầng mái, ba hàng cột, có ba cửa ra vào, gồm ba gian. Sân rồng trải rộng khắp chiều ngang của điện Lam Kinh với diện tích 3.539,25m2. Chính điện Lam Kinh gồm 3 toà điện lớn xây trên một khu đất rộng: Điện Quang Đức, Sùng Hiếu, Diên Khánh. Hai điện Quang Đức và Diên Khánh đều có chín gian với diện tích mỗi điện là 707,77m2. Riêng điện Sùng Hiếu chỉ có 229,5m2. Từ sân rồng lên chính điện là thềm rộng có chín bậc, hai lối lên. Hai bên lối giữa trang trí hình rồng tạc tròn. Phía sau điện Diên Khánh là khu Thái miếu triều Lê Sơ gồm chín toà. Thái miếu thờ Thái Hoàng, Thái Phi. Tường thành phía Bắc xây hình vòng cung bao bọc toàn khu cung điện và khu Thái miếu.