Hòn Trống Mái nằm trên đỉnh núi Trường Lệ thuộc thị xã Sầm Sơn. Hòn Trống Mái là sự sắp đặt của thiên nhiên với ba khối đá có từ bao đời nay. Hòn lớn bằng phẳng ở dưới trông như cái bệ lớn. Một hòn có đầu nhọn nằm chồng lên trông như hình dáng con gà trống, hòn đối diện nhỏ hơn, có dáng tựa con gà mái. Càng đứng lùi xa trông hòn Trống Mái như đôi gà trống và mái khổng lồ đang chụm đầu, nghiêng mỏ nghe sóng nước vỗ dạt dào dưới chân mình. Các khối đá có hình dáng đẹp, được gắn với câu chuyện tình chung thủy. Truyền thuyết kể rằng: vào một năm nước dâng ngập Sầm Sơn, cuốn tất cả ra biển, có hai vợ chồng nghèo nhờ bám vào ngọn cây gạo sống sót. Khi nước rút, không còn gì để ăn. Hai vợ chồng đói quá. Người chồng thấy diều hâu lượn trên đầu núi, ông nghĩ chắc trên đó có gì ăn được, bảo vợ chờ ông lên xem thử. Giữa đường mệt quá, ông nằm nghỉ. Ở dưới, người vợ chờ mãi không thấy chồng về, mới lần theo dấu chân chồng lên núi tìm. Đến chân núi, nhìn lên chỉ thấy quạ là quạ. Biết chuyện chẳng lành, bà quyết tâm leo lên núi, mặc dầu quá đói đã kiệt sức. Lên đến đỉnh, thấy chồng đã chết, bà gục xuống chết theo chồng. Tiên ông cảm phục trước mối tình của đôi vợ chồng nghèo, biến họ thành đôi chim bay trên trời để không bao giờ phải khổ về nạn nước lụt nữa. Thành chim rồi, họ phải theo tiên ông về trời, nhưng vì lưu luyến quê hương Sầm Sơn, họ muốn ở lại. Vì thế, tiên ông đã biến họ thành đôi đá để họ sống mãi bên nhau ở chốn đất này.