Nguyễn Du (1765-1820), là Đại thi hào Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Đền thờ Nguyễn Du được dựng vào năm 1825 tại quê hương ông, làng Tiên Điền, Nghi Xuân. Mang dòng họ “trâm anh thế phiệt” của xứ Nghệ, sinh ra ở Thăng Long, lại thêm dòng máu của mẹ là dân xứ Kinh Bắc, Nguyễn Du chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa của ba vùng: xứ Nghệ hùng vĩ, Thăng Long văn vật và Kinh Bắc thanh lịch. Nhưng cuối cùng Nguyễn Du đã phải sống trong cảnh bần bách, bệnh hoạn...
Toàn bộ khu lưu niệm Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền nằm rải rác trong vùng đất rộng chừng 20ha, từ bờ Nam sông Lam đến Đồng Cùng, cách Bến Thủy 7km về phía Đông. Đó là: khu lưu niệm, đền thờ Nguyễn Nghiễm (thân sinh Nguyễn Du), Nguyễn Trọng. Từ đây đi về hướng Đông khoảng 1km, tới phần mộ Đại thi hào Nguyễn Du được táng tại xứ Đồng Cùng gồm: bàn thờ, phần mộ và vườn cây. Riêng khu lưu niệm rộng 2ha. Từ cổng chính vào, qua bệ đá khắc hai chữ “hạ mã” (xuống ngựa), đến nhà khách, nhà Tư văn 2, nhà Tư văn 1, bia tưởng niệm Nguyễn Quỳnh, nhà thờ Nguyễn Du, nhà Bảo tàng Nguyễn Du. Nhà Bảo tàng còn lưu giữ một số hiện vật quý: nghiên mực, đĩa mai hạc Nguyễn Du được tặng trong thời gian đi sứ, la bàn đi săn, nậm rượu và chén rượu, hòm sắc của Nguyễn Nghiễm.