Lăng Tự Đức nằm giữa một rừng thông bát ngát cách kinh thành Huế 7km về phía Tây Nam. Khu vực lăng được bao quanh bằng một vòng la thành, đoạn thẳng, đoạn gấp khúc, tạo nên một hình đa giác, mở bốn cửa. Mặt trước có hai cửa: Tự Khiêm và Tượng Khiêm cách nhau một quãng ngắn. Lăng chia làm hai khu vực: nơi thờ cúng và nơi đặt mộ, nhưng không bố trí theo một trục chính xuyên suốt như lăng Minh Mạng. Ở đây có sự phá cách theo bố cục tự do, nhưng vẫn tuân thủ tư tưởng chủ đạo trong ý đồ xây dựng lăng tẩm của các bậc đế vương và đáp ứng đầy đủ nhất những chuẩn mực của thuật phong thủy. Khởi dựng vào tháng 12-1864 và cuối năm 1867 hoàn thành, nhưng mãi đến 16 năm sau (1883) vua Tự Đức mới qua đời. Lúc còn sống nhà vua vẫn lên đây nghỉ ngơi, đọc sách, ngâm thơ, vì vậy trong lăng còn có nhiều công trình kiến trúc rất nên thơ như cung điện, lầu gác, đình tạ, cầu quán, hồ sen, vườn cảnh, nhà hát... Lúc đầu lăng mang tên Khiêm Cung, sau đổi thành Khiêm Lăng. Tên các công trình trong lăng đều có chữ Khiêm nhằm biểu đạt ý nguyện khiêm nhường của nhà vua. Qua cửa Vụ Khiêm, theo con đường uốn cong mềm mại, dẫn đến các khu vực khác trong lăng. Bên phải lối đi là hồ Lưu Khiêm, giữa có đảo Tịnh Khiêm, nơi nuôi chim thú nhỏ, cây cảnh... vào đảo đi qua một cầu quán. Ven hồ có nhà thủy tạ: Xung Khiêm tạ, nơi ngắm trăng đọc sách, ở bên kia hồ là một kiểu nhà ghép tiếp mái gồm hai toà nhà đặt trên hai độ cao chênh nhau: toà phía sau dựng trên đất liền, toà phía trước nhô ra hồ, được đỡ bằng ba hàng cột (54 cột), phía trên không có tường bao, chung quanh chạy lan can. Dũ Khiêm Tạ, ở bên này hồ, nơi câu cá, đối diện với Khiêm Cung Môn, cổng chính vào điện Hoà Khiêm, nơi thờ vua và hoàng hậu. Phía trước điện thờ là sân rộng, hai bên có hai dãy tả vu và hữu vu. Sau điện thờ là sân hẹp, hai bên sân là hai toà nhà: một bên là Minh Khiêm Đường - nhà hát, có sân khấu cánh gà, buồng trò, chỗ ngồi xem. Đối diện với Minh Khiêm Đường là nơi ở của các cung nhân trông coi việc đèn nhang. Phía sau là điện Lương Khiêm, nơi thờ mẹ vua. Theo trục chính bên ngoài Khiêm Cung Môn, đi tiếp về hướng Bắc sẽ sang khu đặt mộ, nằm bên trái khu điện thờ. Phía ngoài cổng là Bái Đình, rộng thênh thang, hai bên có 2 hàng tượng bá quan văn võ, voi ngựa... tiếp đó là Bi Đình, trong đặt tấm bia lớn nhất ở Huế. Sau Bi Đình là hai cột trụ biểu, tiếp là hồ Bán Nguyệt, cuối cùng là Bửu Thành, nơi đặt mộ nhà vua. Kiến trúc phần mộ đặt trên sườn đồi thoai thoải, càng lùi sâu vào càng lên cao dần. Toàn bộ lăng rộng 12ha với hơn 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ. Khiêm Lăng thực sự là một công viên hoàng cung.