Ngọ Môn Huế

11:07 | 22/02/2018

Ngọ Môn là cửa chính của Hoàng thành, được xây năm 1833 dưới thời Minh Mạng. Ngọ Môn dài 57,95m, cao 14,8m, gồm hai phần chính: – Phần dưới: nền lát bằng đá ghép, có năm lối ra vào. Kiến trúc theo lối “thượng thu hạ thách” với độ dốc gần như thẳng đứng, tạo một thế đứng hơi chỗi chân, tạo nên cảm giác sừng sững thành vại của những dãy nhà kín cổng cao tường.

Phần trên: lầu Ngũ Phụng hai tầng, bằng gỗ sơn son thếp vàng, có 100 cột lớn nhỏ. Kiến trúc theo lối liên kết chín bộ mái riêng biệt, to nhỏ, cao thấp khác nhau, đặt trên một nền đài bằng đá chữ U, tạo nên vẻ nhấp nhô của các hình khối trong không gian như hình chim Phụng (phượng) xòe cánh bay. Vì vậy nhân dân quen gọi là lầu Ngũ Phụng (thực tế có chín nóc nhà, nhưng nhìn chính diện chỉ thấy năm lầu, với những bộ mái cong lên như năm con phượng xòe cánh). Kiến trúc lầu Ngũ Phụng, các kiến trúc sư có sự tính toán kỹ để cho công trình tối ưu về mặt công năng và đẹp. Đó là sự bỏ trống các liếp che quanh lầu (trừ phía sau), làm mái hiên ngắn, cao hẳn lên, làm cho công trình thoáng đãng, tầm nhìn từ trên lầu xuống được mở rộng cả trục tung lẫn trục hoành. Về trang trí, dùng ngói ống tráng men xanh có in hình hoa văn ở diềm mái. Những hình trang trí như dơi ngậm tiền, bướm và rồng cách điệu, được ghép bằng mảnh sành sứ. Ngọ Môn là một kiệt tác nghệ thuật được người đời ngợi ca qua bài thơ khắc trên lầu Ngũ Phụng: Công tương gia ngôn lặc, Côn Cương danh cửu trí. Âm tiêu dương trưởng hậu, Thiên đạo thái lai thì. Bài thơ ca ngợi người thợ như lời nói khắc vào đá, lưu lại tiếng đẹp như núi Côn Cương. Khi khí âm suy, khí dương thịnh, ấy là lúc đạo trời mở đường đưa lại thái bình.


Cũ hơn Mới hơn