Núi Langbiang, Đà Lạt

11:19 | 09/02/2018

Thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương, cách thành phố Đà Lạt khoảng 10km về phía Bắc, dãy Langbiang gồm ba ngọn núi chính là núi Ông khổng lồ K’yut, núi Ông Lâm Viên và núi Bà (Biđúp). Ở lưng chừng núi có một thung lũng rộng, nơi tổ chức thành công lễ hội kỷ niệm 100 năm thành lập thành phố Đà Lạt, nên giờ có tên là thung lũng Trăm Năm, nơi có thể đáp ứng tốt nhu cầu cắm trại, sinh hoạt lửa trại đêm cho hàng ngàn du khách. Tại đây, du khách có thể ngủ lại qua đêm trong lều bạt, được xem lễ hội cồng chiêng của người Cơ Ho sống ở chân núi. Từ thung lũng, có xe U oát chở du khách lên đỉnh núi Rada để được tận hưởng những giây phút giao hoà tuyệt diệu của đất trời. Những đám mây mù lơ lửng trên đầu tưởng như đã rất gần trời xanh. Phía Tây Suối Vàng, những dòng suối chảy uốn cong, vắt ngang như những dải lụa thanh thiên. Vào những ngày trời quang, từ đây du khách có thể phóng tầm mắt xuống tận Phan Rang, Nha Trang, miền thùy dương cát trắng.

Đến Langbiang, bạn sẽ được giải thích tên núi Langbiang qua “thiên tình sử” giữa chàng trai K’lang và cô gái H’biang, người của hai bộ tộc khác nhau. Họ yêu nhau say đắm, thề non, hẹn biển. oái ăm thay, hai bộ tộc đã có mối thù và lời nguyền không được lấy nhau. Nhưng đôi tình nhân đã quyết tâm vượt qua lời nguyền. Họ quyết định lên đỉnh núi cao nhất sinh sống, lập nghiệp. Một thời gian sau, không may H’biang ngã bệnh, K’lang tìm mọi cách chữa chạy nhưng không khỏi, bèn về cầu cứu buôn làng. Hay tin, một đoàn người kéo đến, khi gần đến chỗ của đôi trai gái, một người trong đoàn rút mũi tên tẩm thuốc độc, H’biang kịp nhìn thấy và nhanh chóng gắng gượng lấy sức yếu ớt của mình che chắn cho K’lang, và nàng đã trúng tên thuốc độc chết. K’lang đau buồn, khóc H’biang suốt ba đêm ba ngày, nước mắt của chàng đã tuôn thành hồ, thành suối lớn để làm nên thủy điện Đa Nhim ngày nay (Đa Nhim hay Đạ Nhim theo tiếng dân tộc là nước mắt). Cảm phục trước tình yêu của hai người buôn làng lấy tên của họ đặt cho đỉnh núi cao nhất Langbiang. Ngọn núi có hai đỉnh được đặt là núi Ông và núi Bà (thường gọi chung là núi Bà, vì theo chế độ mẫu hệ).


Cũ hơn Mới hơn