Thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam

12:08 | 12/02/2018

Thánh địa Mỹ Sơn là khu đền tháp cổ của Vương quốc Chămpa, được một học giả người Pháp là M. C. Paris tìm thấy năm 1898 trong thung lũng Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, cách Thành phố Đà Nẵng 68km về phía Tây Nam, cách Kinh đô Trà Kiệu của Vương quốc Chămpa cũ 30km về phía Tây. Chọn Mỹ Sơn, một vùng thung lũng bao quanh là núi non, làm thánh địa, ngoài ý nghĩa tôn giáo, làm nơi thờ phụng, chắc hẳn các vua Chăm xưa đã có ý định tìm một nơi kín đáo an toàn để có thể rút lui về ẩn náu, một khi Kinh đô Trà Kiệu bị uy hiếp. Theo các nhà nghiên cứu người Pháp L. Firot, L. de Lajonquiere và H. Parmentier thì Mỹ Sơn là khu Thánh địa quan trọng nhất của Vương quốc Chămpa cổ, cho đến khi chấm dứt sự tồn tại của Vương quốc này vào thế kỷ XV. Là thánh địa quan trọng nhất, bởi Vương quốc Chămpa có hai thánh địa thuộc hai tộc lớn: Thánh địa Mỹ Sơn thuộc thị tộc Dừa (tiếng Sanskrit: Narikelaramsa) trị vì phía Bắc Vương quốc (miền Aravati) thờ Thần Serisanabhadresvara và Thánh địa Ponaga (Nha Trang) thuộc thị tộc Cau (tiếng Sanskrit: Kaukavamsa) trị vì ở phía Nam Vương quốc (miền Kauthara), thờ Nữ thần Ponaga của Vương quốc. Trong hai thánh địa, thì Mỹ Sơn được chọn làm thánh địa chính của Vương quốc Chămpa, nên mỗi một vị vua lên ngôi đều đến đây làm lễ thánh tẩy. Do đó, Mỹ Sơn được các vua Chămpa chăm sóc, liên tục phát triển từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII. Tại đây có nhiều bia ký có từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII. Trong đó vua Bhadravarman, vị vua đầu tiên của Chămpa xuất hiện trên bia ký, đã cho xây dựng ở đây ngôi đền thờ Thần Shiva vào thế kỷ IV. Nhưng đến thế kỷ VI, ngôi đền bị hỏa hoạn thiêu hủy. Sang thế kỷ VII, vị vua kế nghiệp của Rudravarman là vua Sambhavarman đã cho xây lại ngôi đền bằng gạch, và từ đó, tại đây các triều đại nối tiếp nhau cho tôn tạo và xây mới nhiều đền tháp nguy nga tráng lệ. Sau đó, có thể do sự phát triển mạnh của Phật giáo (thế kỷ VIII đến thế kỷ X) dưới hai vương triều Hoàn Vương và Đồng Dương (tức Indrapura) Mỹ Sơn không còn giữ được vai trò thánh địa quốc gia nữa. Đầu thế kỷ X, Shiva lấy lại được vị thế trong đời sống tinh thần của Vương quốc Chămpa, thánh địa Mỹ Sơn được phục hồi và các công trình lớn đẹp nhất còn tồn tại tới ngày nay đều được xây dựng trong thế kỷ X. Tiếp đó, Mỹ Sơn lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Chiến tranh kết thúc, vua Harivarman IV (1074-1080) cho khôi phục lại. Dưới Vương triều Vijaya, Vương quốc Chămpa chìm đắm trong những cuộc chiến tranh liên miên, thánh địa Mỹ Sơn một lần nữa bị tàn phá. Năm 1149, sau khi đánh bại quân Khơme, vua Jaya Harivarman cho phục hồi lại toàn bộ đền đài bị phá hủy. Từ năm 1167 trở đi, các vương triều tiếp theo, đặc biệt dưới thời vua Jaya Simhavarman III (vua Chế Mân) đều cho tu bổ và cho xây mới nhiều đền đài cho tới năm 1470, khi vương triều Chămpa chấm dứt sự tồn tại, thì thánh địa Mỹ Sơn cũng bị bỏ hoang phế cho tới khi người Pháp tìm thấy (1898). Theo thống kê của H. Parmentier, thì thánh địa Mỹ Sơn có tới 70 đền tháp. Suốt 40 năm đầu của thế kỷ XX, nơi đây được Viện Viễn Đông Pháp cho trùng tu nhiều lần. Từ năm 1945, chiến tranh nổ ra, Mỹ Sơn không những không được tu bổ mà còn bị phá hủy. Đặc biệt, đợt ném bom B52 của giặc Mỹ cuối năm 1969 đã phá hủy toàn bộ khu tháp chùa xây bằng đá, trong đó có ngọn tháp kỳ vĩ cao 24m.

Hiện Mỹ Sơn chỉ còn lại khoảng 20 ngọn tháp, nhưng bị hư hỏng nhiều. Đền chính có cửa chính mở ra hướng Đông, thờ Linga - Yoni, biểu hiện sinh lực sáng tạo. Kiến trúc đền tháp theo kiểu truyền thống Chămpa. Mặt bằng hình vuông. Tháp chùa gồm ba tầng, tầng trên là hình thu nhỏ của tầng dưới. Phần đế tháp tượng trưng cho thế giới trần gian, thân tháp biểu tượng cho thế giới thần linh. Toàn bộ tháp được chạm khắc tinh vi với các hình chim, thú, hoa lá, vũ nữ Apsara... Thánh địa Mỹ Sơn có bảy đại diện tiêu biểu của tất cả các giai đoạn và phong cách nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999.


Cũ hơn Mới hơn