Quảng trường Đỏ được xây dựng vào những năm cuối của thế kỷ 15, đến nay Quảng trường Đỏ đã trải qua nhiều sự kiện đáng ghi trong lịch sử của nước Nga và thế giới. Theo các tư liệu còn lại, khu vực Quảng trường Đỏ hiện nay trước là các ngôi nhà bằng gỗ. Để tránh hỏa hoạn, Vua Ivan III đã ra lệnh phá bỏ để xây dựng một ngôi chợ vào cuối thế kỷ 15. Vì thế, tên gọi đầu tiên của quảng trường này là “Quảng trường Thương mại”. Đến thế kỷ 16, được đổi tôn thành “Quảng trường Troitskaya” (Chúa Ba Ngôi của đạo Cơ Đốc). “Quảng trường Đỏ” là tên gọi chính thức được sử dụng từ thế kỷ 19 cho đến ngày nay.
Tại sao có tên gọi là Quảng trường Đỏ cũng có nhiều cách giải thích. Có ý kiến cho rằng, nó xuất phát từ sắc đỏ của những viện gạch bao quanh. Tuy nhiên, đa số cho rằng, bắt nguồn từ tên gọi trong tiếng Nga “krasnaya” có nghĩa là đỏ, nhưng theo tiếng Slava cổ còn có nghĩa là đẹp. Quả thật, Quảng trường Đỏ đúng là một kiệt tác về kiến trúc.
Mỗi một công trình tại quảng trường Đỏ đều là những huyền thoại gắn liền với lịch sử nước Nga và uy nghi, với kiến trúc độc đáo, tạo cho khu vực này sự hài hòa. Nổi bật nhất là Điện Kremli với kiến trúc nguy nga, hoành tráng, được xây dựng từ thế kỷ XIV - XVII.
Phía Nam Quảng trường Đỏ, nổi bật một khối kiến trúc nhiều màu rực rỡ với những ngôi tháp chóp hình củ hành, trên đỉnh có một dấu thập thánh giá xây bằng gạch đỏ. Đó là nhà thờ thánh Basil. Để kỷ niệm chiến thắng quân Mông Cổ năm 1522, "Ivan bạo chúa" - Sa hoàng đầu tiên của nước Nga đã ra lệnh cho kiến trúc sư Postnik Yakovlev xây dựng một nhà thờ hoành tráng trên nền nhà thờ Trinity cũ. Khởi công vào năm 1555, công trình phải mất 11 năm mới hoàn thành. Ban đầu Nhà thờ thánh Basil chỉ có 8 tòa tháp cùng đứng chung trên một nền, mỗi tòa tháp tượng trưng cho một lần đánh thắng quân Mông cổ. Đến năm 1588, tòa tháp thứ 9 được xây dựng ở rìa phía Đông với mục đích làm nơi chứa hài cốt của linh mục Chính thống giáo người Nga Basil. Cũng từ đó nhà thờ được gọi thông thường là Nhà thờ thánh Basil.