Nằm trên núi Gambo Utse, cách vùng ngoại ô thủ phủ Lhasa khoảng 5km về phía Tây, Tu viện Drepung đã từng là một trong ba tu viện lớn có tầm ảnh hưởng rộng nhất trên đất Tây Tạng với hơn 10,000 nhà sư tu học. Ngày nay, tu viện Drepung chỉ còn lại khoảng hơn 700 nhà sư, trở thành một điểm du lịch thu hút du khách hành hương từ khắp nơi trên Thế giới.
Tu viện Drepung được thành lập vào năm 1416 bởi một trong số những đệ tử của Đại sư Tông Khách Ba (Tsongkapa), ngài Jamyang Choeje. Tu viện này đã từng là nơi ở chính của Đức Đạt Lai Lạt Ma đến khi Cung Potala được xây dựng lại vào thế kỷ 17.
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc (1966 - 1977), tu viện Drepung vẫn được bảo vệ và hoạt động tương đối tốt. Tuy nhiên, sau những cuộc biểu tình đòi độc lập dân tộc vào năm 1987, tu viện này đã bị đóng cửa và đặt dưới sự giám sát của chính phủ Trung Quốc.
Tu viện Drepung là một quần thể rộng lớn bao gồm nhiều công trình kiến trúc khác nhau. Nổi bật ngay tại tầng đầu tiên của chính sảnh là pho tượng của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13, được chiếu sáng một cách lộng lẫy bởi ánh nắng mặt trời và những ngọn đèn bơ cỡ lớn. Đây là nơi tổ chức các buổi đọc kinh hàng ngày của tăng chúng (thường là vào buổi trưa), trong thời gian đó, những tăng sĩ trẻ thường thay nhau dâng trà lên cho các vị lớn tuổi. Phía bên trái (phía Tây) của chính sảnh là nhà bếp. Đây là nơi chuẩn bị trà bơ cho các tăng sĩ và ghi nhận cúng dường của phật tử.
Điểm đặc biệt nhất của Tu viện Drepung đó là đây là nơi lưu giữ Bức tượng Đức Phật Di Lặc cao 15m do chính Đại sư Tông Khách Ba thiết kế. Bức tượng này được đặt ở tầng ba của tòa nhà chính. Tầng thứ hai là nơi lưu giữ kinh Phật và tầng thứ nhất là nơi cúng dường tượng Phật và các đồ trang trí khác. Trong căn phòng phía Bắc ở tầng thứ hai có đặt một tấm gương thiêng. Người ta tin rằng, tấm gương này có thể chữa trị được bệnh tật trên khuôn mặt của những ai chăm chú nhìn vào nó.
Xung quanh tu viện là một khoảng sân rộng lớn, nơi các nhà sư tranh luận về kinh điển và những kiến thức đã học được. Người thắng trong những cuộc tranh luận này sẽ được tham dự một khóa kiểm tra để thăng cấp cao hơn.
Tu viện Drepung có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Tây Tạng, trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục quan trọng của dân tộc Tạng. Trước thế kỷ 17, các tăng sĩ tu tập trong tu viện thường phải sống cách ly tu tập hàng tuần liền trong suốt cả mùa hè. Trong thời gian đó, họ phải sống tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, tự học cách chăm sóc, giúp đỡ và sống hòa hợp với nhau. Đến hết thời hạn tu tập, họ mới được phép xuống núi, và khi đó, các phật tử sẽ dâng cúng sữa chua cho họ, chúc mừng họ đã hoàn thành xong khóa tu của mình. Kể từ đó, lễ hội Shoton đã ra đời (từ “Shoton” trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là sữa chua).
Lễ Shoton diễn ra vào khoảng cuối tháng sáu, hay đầu tháng bảy theo lịch Tây Tạng, kéo dài trong bảy ngày, hội tụ tất cả những nét đặc sắc trong tinh hoa văn hóa của người dân Tây Tạng. Trong bảy ngày diễn ra lễ hội, người Tạng thường trở về đoàn tụ với gia đình, cùng nhau dùng sữa chua, bày tỏ tình cảm tri ân với các bậc thầy và các bậc tiền nhân.
Lễ Shoton được bắt đầu hết sức hoành tráng bằng việc 100 vị tăng sĩ trẻ cùng nhau rước một bức Thangka khổng lồ vẽ hình Đức Phật Di Lặc đi từ điện Copen sang sườn núi phía Tây của Tu viện. Ngoài ra, còn có vô số những hoạt động tâm linh khác được tổ chức trong lễ hội như hành hương đến Cung điện mùa hè Norbulingka, tổ chức các buổi lễ cầu nguyện, đọc kinh hay biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống của Tây Tạng, tổ chức các trò chơi dần gian như đua ngựa, đua bò, đấu vật… Lễ Shoton cũng là dịp để cho các phật tử Tây Tạng làm phước, cúng dường Tam Bảo và chư Tăng. Rất nhiều khách hành hương đã đến tu viện Drepung vào dịp này để tham gia lễ hội.
Lưu ý khi tham quan Tu viện Drepung:
- Phí tham quan: 55 CNY (Nhân dân tệ)
- Thời gian mở cửa: 09h00 - 17h00
- Thời gian tham quan: 3 tiếng