Ngũ Đài Sơn (còn gọi là Thanh Lương Sơn), nằm trong địa phận huyện Ngũ Đài, địa cấp thị Hãn Châu, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, là một trong tứ đại Phật giáo danh sơn tại Trung Quốc. Núi này là nơi có nhiều chùa chiền, tự viện quan trọng nhất Trung Quốc.
Ngũ Đài Sơn có tên gọi như vậy là do địa hình bất thường của nó, bao gồm 5 đỉnh thuôn tròn (Bắc, Nam, Đông, Tây, Trung) hay còn gọi tương ứng là Diệp Đấu Phong, Cẩm Tú Phong, Vọng Hải Phong, Quải Nguyệt Phong và Thúy Nham Phong; trong đó đỉnh phía Bắc (Bắc Đài hay Diệp Đấu Phong) là cao nhất và trên thực tế là đỉnh núi cao nhất tại miền Hoa Bắc.
Các ngôi chùa Phật giáo bắt đẩu được xây dựng trên dãy núi này từ khoảng thế kỷ thứ nhất theo Công lịch. Tổng cộng hơn 60 ngôi chùa, 150 tháp, 146.000 tượng cùng nhiều bức bích họa và bản khắc, Ngũ Đài Sơn là nơi chứng kiến sự phát triển của đạo Phật ở Trung Quốc suốt gần hai nghìn năm.
Lâu đời nhất trong số chùa Phật ở Ngũ Đài Sơn là chùa Đại Hiển Thông, xây dựng đời Minh Đế nhà Đông Hán (năm 58 - 73 Tây lịch). Trong chùa Hiển Thông có ngôi điện Vô Lương cao đến bốn trượng, dài hơn mười trượng, toàn bộ dùng gạch đá xây dựng nên, không một trụ chống mái nên lại có tên là Vô Lương Điện (ngôi điện không rường). Ngôi điện này thờ Bồ Tát Văn Thù hay còn gọi là Thiên Bát, Thiên Tý, Thiên Thích Ca bởi Ngài có 1.000 tay, trên mỗi bàn tay co lại như hàng nghìn cái bát, trên đó an vị 1.000 vị Thích Ca. Đây là kiệt tác trong lịch sử kiến trúc của Trung Quốc, đã có hơn bốn trăm năm lịch sử. Phía Bắc điện là “Đồng Điện” được xây dựng năm 1606 sau công nguyên do một vị Hoàng đế hiệu Vạn Lịch đời nhà Minh khởi công xây dựng.
Toàn bộ dùng bằng đồng mà đúc nên, phỏng theo kiến trúc bằng gỗ, bên trong điện một vạn tượng Phật đồng, điêu khắc sinh động, là tác phẩm tinh vi của nghệ thuật Phật giáo thời cổ đại. Xung quanh điện Đồng là 5 bảo tháp đồng biểu trưng của Ngũ Đài Sơn (Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung Đài).
Từ chùa Hiển Thông lên núi, qua một trăm lẻ tám bậc thềm đá là lên đến đỉnh Bồ Tát. Kiến trúc của Bồ Tát đỉnh đều phỏng theo kiểu cung điện, nóc điện lợp ngói lưu ly, vàng ngọc chói lọi, giống như hoàng cung, tương truyền là chỗ xuất gia của Hoàng đế Thuận Trị.
Bên dưới chùa Hiển Thông là ngôi Bạch Tháp thờ Xá lợi Phật cao 51m, đỉnh tháp có “đồng bàn” (một hình thức kiến trúc hình mâm tròn bằng đồng), xung quanh có trang trí những chuông lắc nhỏ bằng đồng. Bạch Tháp là một trong những tác phẩm mang đậm phong cách kiến trúc Tạng truyền.
Lớn nhất trên Ngũ Đài Sơn là chùa Nam Sơn, được xây dựng từ thời nhà Nguyên. Chùa bao gồm 7 tầng, chia ra làm 3 phần. Ba tầng thấp nhất được gọi là Cực Lạc Tự, tầng giữa gọi là Thiện Đức Đường, ba tầng trên gọi là Hữu Quốc Tự.