Núi Thanh Thành nằm cách thành phố Đô Giang, tỉnh Tứ Xuyên 15km về phía Tây Nam. Đây là ngọn nứi nổi tiếng và là một trong những cái nôi của Đạo giáo Trung Quốc. Đây từng là đất phát nguyên của nhiều chi phái Đạo giáo như: Thiên Sư Đạo do Trương Đạo Lăng thời Đông Hán lập; phái Thượng Thanh của Đào Hoằng Cảnh đời Đông Tấn; phái Thanh Vi, phái Đan Đỉnh đời Tống; phái Long Môn của Toàn Chân Giáo đời Nguyên; phái Thanh Thành đời Thanh... Nơi đây cũng hình thành võ phái Thanh Thành nổi tiếng thuộc Nội đan, trở thành một trong “Thất đại môn phái” của võ lâm Trung Hoa. Trong suốt 2.000 năm lịch sử, nơi đây xuất hiện vô số cao thủ (chỉ riêng đời Thanh đã có 111 cử nhân võ xuất thân từ phái Thanh Thành).
Đô Giang Yển là một công trình thủy lợi ở tỉnh Tứ Xuyên, gần Thành Đô. Công trình thủy lợi này được nước Tần xây dựng vào năm 256 trước công nguyên trong thời Chiến Quốc. Hệ thống thủy lợi này đem lại nguồn lợi to lớn, tưới tiêu cho 700.000 hécta đồng ruộng thuộc hơn 40 huyện khác nhau, được coi như kiệt tác vĩ đại tạo phúc cho nhân dân.
Đô Giang Yển được hình thành bởi 3 bộ phận đập: Miệng cá phân dòng, luồng chia lũ, xử lý đất cát và cửa miệng nhập nước. Công trình thủy lợi tự động này giải trừ sự đe dọa của thủy hoạn, khiến cho vùng đồng bằng Tứ Xuyên vừa bình an, vừa đầy nước tưới tiêu, thành xứ "Thiên phủ" trù phú, mà Đô Giang Yến được ví như dải ngân hà kỳ diệu trên mặt đất.
Ngày nay, công trình này vẫn đang được sử dụng và giúp tưới tiêu hơn 5.300km2 đất của khu vực này. Hàng năm, có hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan cảnh sắc tươi đẹp ngoạn mục và kỳ vỹ nơi đây. Những chuyên gia thủy lợi nước ngoài cũng đến tìm hiểu và cảm phục trước trình độ khoa học của công trình.