Tây Hồ là một hồ nước ngọt nổi tiếng nằm về phía Tây thành phố Hàng Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang. Chiều dài lớn nhất theo hướng Bắc - Nam là 3,3km còn chiều rộng lớn nhất theo hướng Đông - Tây là 2,8km. Diện tích của khu vực hồ khoảng 6,3km2, trong đó phần diện tích chứa nước khoảng 5,66km2.
Hồ được chia ra 3 phần bởi ba con đê ngăn là Tô đê, Bạch đê, và Dương Công. Đê Tô là một trong những khu cảnh đẹp nhất của Hàng Châu như câu thơ của đại thi hào Tô Đông Pha nhà Tống: "Tây hồ cảnh trí lục điều kiều, cách chu dương liễu cách chu đào". Tô đê chạy theo hướng Nam- Bắc, dài 2,8km, hai bên dương liễu rủ xuống, ẩn hiện bởi đê được nối lại bằng sáu cầu đá cổ, cầu Ánh Ba, cầu Toả Lan, cầu Vọng Sơn, cầu Áp Đê, cầu Đông Phố và cầu Khoa Hồng, đi trên đê bóng người bóng cây nghiêng ngả mặt hồ, tưởng như vào tiên cảnh. Cảnh sắc Tô đê thay đổi theo bốn mùa, sáng chiều cũng khác, thơ nhất phải nói đến ánh bình minh của mùa xuân, khi bạn tản bộ trên Tô đê, tóc liễu vuốt ve, mầm chồi nẩy xanh, cả dải đê choàng trong sương mờ khói xanh, trên cành mấy tiếng chim vành khuyên, báo cho bạn biết rằng mùa xuân đã đến...
Hồ cũng được chia thành 5 khu vực hồ nhỏ gọi là Ngoại Tây Hồ, Lý Tây Hồ, Hậu Tây Hồ, Tiểu Nam Hồ và Nhạc Hồ. Trong hồ có một ngọn đồi thấp gọi là Cô Sơn chiếm diện tích khoảng 200.000m2 và 3 đảo.
Người ta còn có cách gọi thắng cảnh Tây Hồ là: Nhất núi, nhị đê, tam đảo, ngũ hồ.
Tây Hồ có 10 cảnh đẹp, mỗi phong cảnh này đều được đánh dấu bằng một bia với tên gọi được chính hoàng đế Càn Long nhà Thanh viết theo kiểu thư pháp là: Tô đê xuân hiểu (buổi sáng mùa xuân trên Tô đê), Liễu lãng văn oanh (chim oanh hót trong bụi liễu), Hoa cảng quan ngư (xem cá tại ao hoa), Khúc viện phong hà (hương sen thổi nhẹ tại sân cong), Nam Bình vãn chung (chuông chiều ở núi Nam Bình), Bình hồ thu nguyệt (trăng mùa thu trên hồ yên bình), Lôi Phong tịch chiếu (Lôi Phong trong ánh sáng buổi chiều), Tam đàn ấn nguyệt (ba đầm nước phản chiếu ánh trăng), Đoạn kiều tàn tuyết (tuyết còn sót lại trên cầu gãy), Song phong sáp vân (hai ngọn núi đâm vào mây).
Tây Hồ được cho là sự hóa thân của Tây Thi, một trong Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa thời Trung Quốc cổ đại. Kể từ thời cổ đại, Tây Hồ đã gắn liền với nhiều nhà thơ lãng mạn, nhà triết học thâm thúy, các vị anh hùng dân tộc.
Tây Hồ còn gắn liền với những câu chuyện tình lưu dấu tự ngàn xưa. Này là cầu Đoạn, nơi nàng Bạch Nương và chàng Hứa Tiên gặp nhau rồi chia ly, kia là cầu Trường, nơi Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài quyến luyến không rời. Rồi còn cầu Tây Lãnh, tháp Lôi Phong... những kiến trúc gắn liền với các truyền thuyết, vừa tô điểm ngoại cảnh vừa mang lại vẻ đẹp tâm linh cho Tây Hồ. vẻ đẹp này đã đi vào thi ca nhạc họa hàng bao thế kỷ nay và từng được so sánh với nhan sắc của đại mỹ nhân Tây Thi...