Venice, thành phố lãng mạn bậc nhất nước Ý

15:38 | 27/12/2017

Thành phố Venice (Venezia theo tiếng Italia) là thành phố ở Đông Bắc Italia, trên bờ biển Adriatique, trong vịnh Venice. Cả thành phố nằm trên 118 hòn đảo trong một vịnh kéo dài 60km, rộng 4km, và được nối với đất liền bằng những công trình nghệ thuật độc đáo.

Trên hai bờ kênh này có khá nhiều di tích cổ xây dựng từ hồi Trung kỳ (đầu thế kỷ V đến thế kỷ XV) và thời Phục hưng (thế kỷ XV và thế kỷ XVI) rất đáng chú ý: Cádoro - nhà mạ vàng xây vào thế kỷ XV, lâu đài Vedramin - Calergi xây vào thế kỷ XVI, lâu đài Rezzonico, cá Grande và nhà thờ Đức Bà Santa Maria della Salute. Nhà thờ này là một công trình kiến trúc đặc sắc được xây dựng từ năm 1634 đến năm 1654 và đến năm 1687 mới hoàn thành toàn bộ do kiến trúc sư nổi tiếng Longhena (1598 - 1682) thiết kế, có mặt bằng hình bát giác rõ rệt, với hai tháp tròn mái vòm trên đỉnh có bầu đèn thông sáng. Ở giữa thành phố, có quảng trường Piazza San Marco và Tiểu quảng trường Piazzeta, xung quanh quảng trường có nhiều kiến trúc đẹp.

Lâu đài các Pháp quan Palais des Procuraties được xây vào thế kỷ XV - XIX, nhà thờ lớn Sant Marc xây vào thế kỷ XI; tháp chuông, tháp đồng hồ xây vào thế kỷ XV; Điện chấp chính xây vào thế kỷ XIII trong đó còn có cả các sáng tác của các họa sĩ có tên tuổi như Veronese (1528 - 1588), Titien tên thật là Tiziano Vecellio (1490 - 1576) và Tintoretto (1518 - 1594).

Người ta tính rằng trong thành phố có khoảng 200 kênh và 400 cầu để vượt qua các kênh đó, nhiều cây cầu có từ thời cổ xưa và là những công trình kiến trúc quý giá, trong đó nổi tiếng nhất là cầu Rialto được xây từ thế kỷ XVI, chỉ còn một vòm bằng đá nối liền hai hòn đảo lớn của thành phố. Kênh lớn dài 3,8km chia thành phố thành hai phần không đều nhau và có 3 cây cầu vượt qua. 

Cùng với những dòng kênh được kè bờ vuông vức là những cây cầu. Có đến hơn 400 cây cầu lớn nhỏ. Venice là thành phố duy nhất trên thế giới có nhiều cầu như vậy. Điều đáng nói là cùng với các kĩ sư thiết kế cầu - đường cho thành phố, người ta còn mời thêm kiến trúc sư để làm đẹp cho từng cây cầu, làm cho cầu trở nên thơ mộng và không bị trùng lặp.

Người Venice quan niệm: cầu còn là điểm hẹn, còn là nơi để người ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó, có thể đứng trên đó mà ngắm nhìn cảnh sông nước len lỏi vào thành phố và những con thuyền êm ả, thanh bình ngược xuôi. Cầu còn để mọi người đứng trên đó để thượng ngoạn, để hưởng gió lộng từ biển vào, để ngắm nhình cái thi vị của từng ngôi nhà cổ kình và cấu trúc cầu kì từ thời Phục hưng mà trên đó đầy ắp những tác phẩm điêu khắc đẹp đến hoàn mỹ. Về đêm người ta lên đó ngắm trăng, ngắm ngàn vạn ánh đèn soi bóng xuống dòng kênh và rồi những con thuyền khua nước làm chúng càng thêm lung linh...Tất cả những yếu tố thẩm mỹ ấy làm nên vẻ rất riêng của Venice, tạo lập nên danh tiếng "Venice- thành phố kỳ quan trên nước". Và như vậy đó, khái niệm về cầu được mở rộng đến thế là cùng!

Đức vua Byron từng gọi nơi đây là “thành phố thần tiên của con tim”. Nơi đây được biết đến bởi những câu chuyện tình yêu cảm động, như là thủ đô của những câu chuyên lãng mạn. Thành phố này đã làm điên đảo, thu hút cả tâm trí và cả trái tim của những ai một lần đặt chân đến thăm nơi này. Để rồi khi rời xa, những vị khách luôn khát khao được một lần trở lại thăm thành phố xinh đẹp này. Tuy bao quanh thành phố này là những hồ nước cạn, thế nhưng lịch sử của nó lại sâu như những đại dương ngoài phía xa.

Những viện bảo tàng và cung điện ở Venice có trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới. Nổi bật chính là những tác phẩm do chính tay những bậc thầy nghệ thuật vẽ nên. Họ chính là Giovanni, Titian, Tintoretto, Giorgione và nhiều họa sĩ khác. Cách duy nhất để bạn có thể khám phá hết thành phố Venice đó là đi thuyền hoặc đi bộ.

Ngày nay, Venice vẫn giữ được địa vị văn hóa quan trọng và hoạt động du lịch rất phát triển. Nhưng Venice lại đang có phần xuống cấp: nền của vịnh có xu hướng sụt dần, biên độ thủy triều lớn, và vấn đề ô nhiễm môi trường gây nên nhiều khó khăn có tính chất đe dọa đối với di sản văn hóa của thành phố. Sau trận lụt ngày 04/11/1966, Chính phủ Italia đã phải chi một khoảng tiền cứu trợ lớn nhưng cũng không thấm vào đâu. Và tổ chức UNESCO đã phải nhanh chóng tổ chức một "chiến dịch" cứu trợ kịp thời đối với các di sản văn hóa.

 

 


Cũ hơn Mới hơn