Giới thiệu du lịch Điện Biên

08:54 | 06/02/2018

Ngày 26-4-2003, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XI đã thông qua Nghị quyết về việc chia tỉnh Lai Châu trước đây thành tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu.

Việc chia tỉnh Lai Châu cũ thành tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu là do địa hình của tỉnh Lai Châu cũ bị chia cắt bởi sông Đà và sông Mã. Khi công trình thủy điện Sơn La hình thành vớimức nước dâng lên đến 215m, thì tỉnh Lai Châu cũ sẽ bị chia cắtthành hai vùng rõ rệt. Tả ngạn và hữu ngạn. Cơ sở hạ tầng thấp kém, đi lại khó khăn, các huyện phía Bắc như Mường Tè, Phong Thổ, Tam Đường, Sìn Hồ, cách trung tâm tỉnh lỵ trên 200km, các xã biên giới cách tỉnh lỵ bình quân từ 250km đến 300km, nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý điều hành gặp nhiều khó khăn.

Việc chia tách tỉnh Lai Châu thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu là nhằm tạo động lực mới, thời cơ mới để phát huy nội lực tốt hơn cho sự phát triển nhanh và bền vững cho cả tỉnh. Tỉnh Điện Biên ở phía Nam sông Đà, có diện tích tự nhiên là 955.409,70ha và dân số 440.300 người, gồm nhiều dân tộc anh em sinh sống như Thái, Lô Lô, Lào, Lự, Hoa, Cống, Mường, Tày, Nùng...

Tỉnh Điện Biên có các đơn vị hành chính sau: Thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Lai Châu (trừ phường Lê Lợi), các huyện: Mường Nhé, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông, huyện Tuần Giáo, huyện Tủa Chúa, huyện Mường Lay (trừ xã Pú Đao, xã Chăn Nưa, xã Nậm Hàng, bản Thành Chử thuộc xã Xá Tông). Thành phố Điện Biên Phủ là tỉnh lỵ của tỉnh Điện Biên.

Về vị trí địa lý, phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Tây và Tây Nam giáp cố đô Luông Phrabăng (Lào). Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao, mùa đông lạnh và ít mưa, mùa hè nóng gắt và mưa nhiều, ít chịu ảnh hưởng của bão lũ. Nhiệt độ trung bình cả năm là 21-230C. Lượng mưa trung bình 1.700-2.500mm. Độ ẩm trung bình 83-85%. Điện Biên là một tỉnh giàu khoáng sản, chủ yếu là than mỡ, cao lanh, đá đen, vàng sa khoáng, nước khoáng...

Mạng lưới giao thông đường bộ khá thuận lợi. Từ thành phố Điện Biên Phủ có đường đến các huyện, có sân bay Mường Thanh.

Thành phố Điện Biên Phủ, từ xa xưa có tên là Mường Theng hoặc Then (Theng tiếng Thái có nghĩa là Trời, âm Việt đọc chệch là Thanh) nên gọi là Mường Thanh. Qua thư tịch cổ, thời cổ đại Điện Biên là một đường chuyển tải văn hóa từ Ấn Độ qua Việt Nam với ảnh hưởng của đạo Bàlamôn và đạo Phật. Đến năm 1841, Mường Thanh đổi thành Điện Biên Phủ. Cách nay nửa thế kỷ, tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất của quân đội Pháp ở Đông Dương đã bị bộ đội ta đập tan. Toàn bộ Bộ chỉ huy của Tướng Đờ Cátơri và hàng vạn binh lính Pháp bị bắt làm tù binh. Kết cục đó đã dẫn đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Mường Thanh - Điện Biên Phủ còn nổi tiếng là vùng đất cổ còn lưu giữ dấu vết của nền văn hóa cổ xưa nhất. Năm 1955, được Chính phủ đặt là châu Điện Biên, trực thuộc Khu tự trị Đông Bắc. Tháng 12 năm 1962, tỉnh Lai Châu thành lập lại, châu Điện Biên đổi thành huyện Điện Biên thuộc tỉnh Lai Châu. Năm 1990, trung tâm tỉnh lỵ Lai Châu được chuyển về Điện Biên. Ngày 18-4-1992, thị xã Điện Biên được thành lập. Ngày 26-9-2003, Chính phủ ra Nghị định thành lập thành phố Điện Biên Phủ. Và Điện Biên Phủ là thành phố đầu tiên của vùng Tây Bắc Việt Nam.

Thành phố Điện Biên Phủ ngày nay đã mang diện mạo mới. Thương mại, dịch vụ chiếm tới 60% GDP. Thành phố đã có cơ chế tạo mọi điều kiện thuận lợi, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm. Thuở xưa, Điện Biên có tên gọi là Mường Thanh, xa hơn nữa là Mường Then (nghĩa là Mường Trời) là vùng đất gắn liền với thần thoại và truyền thuyết về sự ra đời của dân tộc Thái. Đây là “đất tổ” của nhiều ngành Thái vùng Đông Nam Á. Vùng đất lòng chảo rộng lớn này có hai mường: Thanh Nưa (Thanh trên) từ bản Noọng Hét đổ về đầu nguồn sông Nậm Rốn và Thanh Tẩu (Thanh dưới) từ bản Noọng Hét đến cuối sông Nậm Rốn. Tại đây có Viềng Xam Mứn (thành Tam Van) cổ kính của người Thái xây dựng. Các mường thuộc Mường Thanh xưa có: Mường Phăng, Mường Nha, Mường Luân, Mường Lèo, Mường Lôi, nay thuộc huyện Điện Biên.


Cũ hơn Mới hơn