Giới thiệu về Hà Nội

16:29 | 06/02/2018

Hà Nội Thủ đô nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, phía Bắc giáp Thái Nguyên và Vĩnh Phúc, phía Tây giáp Vĩnh Phúc và Hà Tây, phía Đông giáp Hưng Yên và Bắc Ninh, phía Nam giáp Hoà Bình. Hà Nội có diện tích tự nhiên 920,97 km2, dân số trên 3.056.000 người, gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ, Long Biên và 5 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm.

Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã qua nhiều lần thay đổi:

- Ngày 4-11-1954, cả thành phố có 4 quận nội thành và 4 quận ngoại thành.

- Ngày 20-4-1961, Quốc hội nước VNDCCH khóa II phê chuẩn đưa huyện Đông Anh của Vĩnh Phúc, huyện Gia Lâm và một phần huyện Thuận Thành của Bắc Ninh, cùng hai huyện Từ Liêm, Thanh Trì của Hà Đông thuộc về Hà Nội. Từ đó Hà Nội có 4 khu phố nội thành và 4 huyện ngoại thành.

- Ngày 29-12-1978, Quốc hội IV phê chuẩn mở rộng Hà Nội thêm các huyện Sóc Sơn, Mê Linh của Vĩnh Phú, các huyện Thạch Thất, Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây và một số xã của huyện Chương Mỹ, Thanh Oai của tỉnh Hà Sơn Bình. Từ đó, Hà Nội có 4 khu phố nội thành, 14 huyện ngoại thành và một thị xã. 

- Tháng 6 năm 1981, đổi cách gọi khu phố thành quận. Ngày 12-8-1991, Quốc hội VII điều chỉnh địa giới Hà Nội, chuyển trả lại các huyện đã nhập về Hà Nội năm 1978 về cho Vĩnh Phú và Hà Tây, nhưng vẫn giữ lại huyện Sóc Sơn. Từ đó Hà Nội có 4 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành. 

- Trong những năm gần đây, Hà Nội hai lần lập thêm quận. Ban đầu lập thêm quận Thanh Xuân, Cầu Giấy và Tây Hồ, mới đây thêm 2 quận: Hoàng Mai và Long Biên. Hà Nội ở vị trí từ 20025’ đến 21023’ vĩ độ Bắc và từ 105015’đến 106003’ kinh độ Đông.

Hà Nội ở trong vùng nhiệt đới gió mùa, chủ yếu có hai mùa chính: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9, mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Nếu phân biệt một cách chi tiết, Hà Nội có bốn mùa khá rõ: xuân, hạ, thu, đông. Nhiệt độ trung bình cả năm là 23,20C, lượng mưa trung bình năm 1.800mm. 

Hà Nội có nhiều con sông chảy qua. Là vùng đất cổ, Hà Nội được sông Hồng và các phụ lưu bồi đắp tạo nên. Tên gọi Hà Nội có ý nghĩa là “vùng đất trong sông”. Ngoài ra, Hà Nội còn có các sông Đuống, Cầu, Cà Lồ, Đáy, Nhuệ, Tích, Tô Lịch và Kim Ngưu. Sông Tô Lịch được nhắc đến nhiều trong văn chương Hà Nội. Ngày nay, sông Tô Lịch và Kim Ngưu chỉ còn tác dụng thoát nước cho thành phố. Là một thành phố được phù sa bồi đắp, Hà Nội có nhiều hồ: Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Giảng Võ, Trúc Bạch, Bảy Mẫu, Thiền Quang, Thủ Lệ... 

Hà Nội là trung tâm giao thông của cả nước kể cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Hà Nội sắp bước vào tuổi nghìn năm. Huyền thoại hay sự thực? Từ một giấc mơ “Rồng bay lên” để rồi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và mang một cái tên lịch sử đáng tự hào và thơ mộng: Thăng Long. Đó là năm Canh Tuất, 1010, khởi đầu sự nghiệp nhà Lý, đặt nền móng cho quốc gia Đại Việt hùng mạnh. Nhưng vùng đất Thăng Long “địa linh nhân kiệt” này đâu phải chỉ bắt đầu từ thời Lý, mà cách đó 23 thế kỷ, thành Cổ Loa đã được chọn làm kinh đô nước Âu Lạc của An Dương Vương Thục Phán, người đã có công đầu “khai sơn phá thạch”.

Đến thế kỷ VI, quốc gia Vạn Xuân đã đặt kinh đô ở Long Biên và thế kỷ VIII của Phùng Hưng, thế kỷ X của họ Khúc, và thời Ngô Quyền, sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Loa Thành vẫn được nhiều triều đại trước nhà Lý chọn làm kinh đô. Đến đầu triều Hậu Lê, Lê Lợi đổi tên Thăng Long thành Đông Đô ở thế kỷ XV.

Năm 1831, thời vua Minh Mạng triều Nguyễn, mảnh đất “rồng bay lên” lại được đổi tên là Hà Nội, khi vương triều này chọn Huế làm kinh đô và Hà Nội chỉ là một tỉnh.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời (nay là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) quyết định lấy Hà Nội làm thủ đô của cả nước.

Dù trải qua bao biến cố thăng trầm, từ Cổ Loa, đến Long Biên, rồi Đại La, đến Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội, thì mảnh đất “địa linh, nhân kiệt” này vẫn luôn là trái tim, là niềm kiêu hãnh của cả dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Việc nhà Lý chọn Thăng Long làm kinh đô của nước Đại Việt, trước hết để đáp ứng yêu cầu về chính trị ở thế kỷ X, Đại Việt đã trên đà lớn mạnh, Thăng Long là địa điểm trung tâm của đất nước, uy quyền triều đình vươn tới khắp nơi. Đây là nơi kinh tế phồn vinh, nơi đầu mối giao thông của cả nước. Và một yếu tố không kém phần quan trọng đó là yêu cầu về phong thủy, một nguyên tắc bất di bất dịch của bất cứ triều đại phong kiến Việt Nam nào khi chọn lựa xây dựng kinh đô đều phải tuân thủ nghiêm ngặt luật phong thủy. Theo sách phong thủy “Thượng Kinh phong vận chí” thì Thăng Long - Hà Nội, đáp ứng đầy đủ yêu cầu phong thủy. Ở giữa có núi Nùng, trên núi có lỗ lõm xuống, tức là rốn rồng. Phía Bắc có Tam Sơn, phía Tây có Thái Hoà, Tây Bắc có Khán Sơn. Phía trên một dải sông Lô tiếp giáp với Phong Châu, Tam Đài và Bạch Hạc, dưới liền với sông Đại Hoàng, Phủ Lý Nhân. Dòng sông chảy vòng quanh như chiếc vành khuyên là sông Nhĩ (sông Nhị Hà, hay sông Hồng). Sông Tô Lịch ở phía Đông thượng kinh, từ phía Bắc chuyển sang phía Tây, đến Hà Liễu nhập vào dòng sông Nhuệ, từng khúc, từng khúc như quay đầu về thượng kinh, nên gọi là Nghĩa Thủy. Phía Tây thượng kinh là hồ nước mênh mông, có trâu vàng ẩn hiện, có sen trắng nở mùa hè, đó là hồ Lãng Bạc. Bên trong La Thành có hai hồ Tả, Hữu Vọng. Phía Tây Nam thượng kinh có sông Kim Ngưu ôm vòng phía trước như đai ngọc. 

Thành Thăng Long đời Lý đắp trên vị trí thành Đại La của Cao Biền. Nhà Hậu Lê đắp lại thành cũng trên nền cũ: Đông Tràng An, Tây Tràng An. Qua những năm chiến đấu chống quân xâm lược nhà Thanh, thành bị bỏ hoang phế. Năm 1802, Gia Long định đô ở Huế, thì Thăng Long là thành trì của Tổng trấn Bắc Thành - Thành cũ của nhà Lê bị phá hủy, xây thành mới, vẫn ở vị trí cũ, nhưng quy mô nhỏ hơn. Thành hình vuông, chu vi thành 1258 trượng, 6 thước, 5 tấc (mỗi bề dài hơn 1km). Tường xây gạch hộp, chân thành 2 lớp, trên là đá ong, dưới đá tảng xanh. Tường cao 4 trượng 1 thước, dày một trượng. Thành có 5 cổng, ba cạnh Đông, Tây và Bắc mỗi cạnh một cổng. Cạnh phía Nam có 2 cổng: Đông Nam và Tây Nam. Trên mỗi nóc cổng có lầu canh, gọi là thú lâu. Chung quanh tường thành phía ngoài có một khoảng đất rộng sát chân thành rồi mới đến hào sâu chừng 5m, rộng 20m. Trong thành chia làm 4 khu: 

- Khu trung tâm: chính giữa là điện Kính Thiên, xây hơi lệch về phía Tây (theo hướng phong thủy), bên ngoài tường bao quanh hình chữ nhật (350m x 120m). Trước điện là Đoan Môn.

- Khu phía Đông là dinh các quan lại.

- Phía Tây là kho lương thực, kho tiền, kho thuốc súng và dinh các quan phụ trách coi kho. 

- Phía Đông Bắc là nhà ngục. Cột cờ phía ngoài Đoan Môn xây năm Gia Long thứ 11 (1812). Cột cờ cao 60m, hình trụ lục lăng, dựng trên tam cấp hình vuông thu nhỏ dần về phía trên. Cột cờ và tam cấp xây gạch gốm. Tam cấp dưới mỗi chiều 42m, tam cấp trên cùng mỗi chiều 15m. Cạnh cột cờ dựng một phương đình, trong đặt bia ghi công tướng sĩ. Khi còn là Tổng trấn Bắc Thành, Thăng Long còn hai đàn Xã và Tắc để tế Trời và Đất ở bên trái Đoan Môn. Có đàn Sơn Xuyên tế Thần Sông, Núi, đàn Nghi Xuân, Võ Miếu ở bên phải Đoan Môn. Sau khi thực dân Pháp chiếm được Việt Nam, thành Hà Nội bị phá hủy nhiều, hầu như không còn gì, ngoài cửa Bắc, cột cờ, một ít tường thành, cổng, bậc đá và rồng đá ở điện Kính Thiên...

Khi Minh Mạng lên ngôi Hoàng đế, ông bỏ đơn vị hành chính trấn và thành lập đơn vị hành chính tỉnh. Tỉnh Hà Nội được thành lập ngày 9-11-1831 đến nay vừa tròn 137 năm.

Ngày nay Hà Nội có nhiều đổi mới và đã kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (2010). Thành Hà Nội từng bước được phục hồi như Đoan Môn, lầu Công Chúa, Cửa Bắc. Đầu năm 2004, trong khi đào móng để xây dựng toà nhà Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, những người công nhân xây dựng đã phát hiện ra dấu vết một phần kinh thành Thăng Long từ thời Lý - Trần - Lê, với những hiện vật vô cùng quý giá như giếng nước, những lá đề trang trí bằng gốm nung, màu đỏ gạch tươi nguyên... Đó là những cứ liệu cho các nhà khảo cổ học, các nhà lịch sử tiếp tục nghiên cứu. Du khách đến thăm Hà Nội, sẽ bị cuốn hút bởi những di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khu phố cổ “36 phố phường”. 


Cũ hơn Mới hơn