Đến nay tại miền Trung, ngoài thành Huế chỉ còn thành Diên Khánh ở Khánh Hoà, được xây năm 1793, sau khi Nguyễn Huệ qua đời, nhà Tây Sơn suy yếu dần. Nguyễn Ánh cùng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương đem quân tiến đánh Diên Khánh. Sau khi đẩy lùi được nghĩa quân Tây Sơn, thấy nơi đây là địa bàn chiến lược quan trọng lâu dài, Nguyễn AÙnh quyết định xây thành Diên Khánh làm vành đai phòng ngự kiên cố từ xa. Kiến trúc theo kiểu Vauban (một kiểu cấu trúc thành quân sự phổ biến ở châu Âu vào thế kỷ XVII, XVIII), cách Nha Trang khoảng 10km về hướng Tây.
Thành Diên Khánh nằm gần quốc lộ 1A, diện tích khoảng 36.000m2. Thành đắp bằng đất, dài khoảng 2.690m. Tường thành hình lục giác không đều nhau. Trên mỗi cạnh chia ra nhiều đoạn nhỏ, uốn lượn nên các góc thành không nhô hẳn ra, do đó vẫn đảm bảo quan sát được cả hai bên. Mỗi góc có pháo đài cao 2m. Tường cao 3,5m, bên trong đắp thoai thoải, được đắp thành hai bậc, làm đường vận chuyển vũ khí quân lương rất thuận lợi và an toàn. Mặt ngoài dựng đứng. Trên mặt tường trồng tre gai. Bên ngoài thành có hào sâu từ 3 đến 5m bao quanh. Thành Diên Khánh, mỗi cạnh có một cửa. Hiện nay chỉ còn bốn cửa: Đông, Tây, Nam (cửa Tiền) và Bắc (cửa Hậu), trong đó hai cửa Đông và Tây là còn nguyên vẹn, hai cửa Tả và Hữu bị lấp vào năm 1823. Cửa thành xây bằng gạch nung cao 4,5m, rộng 16,8m. Ở giữa xây vòm cuốn cao 3,4m, rộng 3m. Trên cổng là vọng lâu hình tứ giác, mỗi cạnh 3,5m. Mái lầu uốn cong, lợp ngói. Cửa Tiền dành cho vua đi, Hoàng thành có cấu trúc độc đáo, tính từ cửa Tiền vào có cột cờ, đến Hoàng cung, kiến trúc kiểu Á Đông (giống điện Thái Hóa - Huế). Trên nóc đúc hai con rồng, uốn cong quay đầu vào một quả cầu thủy tinh lớn. Giữa Hoàng cung là ngai vàng, đặt trên một bệ gỗ cao ba tầng. Trước Hoàng cung là sân chầu. Bên trái Hoàng cung là dinh Tuần Vũ, tiếp đến là dinh Án sát, dinh Lãnh binh.