Các lễ hội tiêu biểu ở Thanh Hóa

09:51 | 22/02/2018

Thanh Hóa đặc sắc không chỉ vì thiên nhiên kỳ thú, những di tích lừng danh, mà còn nhờ vào chất nhân văn của những lễ hội còn được lưu giữ đến ngày nay, dầu đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Vùng đất xứ Thanh có khá nhiều lễ hội, trong đó tiêu biểu nhất là:

Lễ hội đền Bà Triệu

Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức từ ngày 20 tới 23 tháng 3 âm lịch hằng năm tại xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc. Nhân dân các nơi về dự hội, nhắc lại câu nói đầy khí phách của Bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người”.

Lễ hội đền Sòng

Lễ hội hằng năm được tổ chức vào ngày 15 tháng Ba âm lịch tại đền Sòng thuộc thị xã Bỉm Sơn. Hội lễ để tưởng nhớ bà chúa Liễu Hạnh, người được nhân dân tôn là Thánh Mẫu. Lễ hội đền Sòng thu hút nhiều khách thập phương tham gia. Với tấm lòng thành kính, mọi người về đây cầu xin Mẫu ban cho nhiều may mắn.

Lễ hội Lam Kinh

Là lễ hội lớn nhất ở tỉnh Thanh Hóa. Hằng năm lễ hội diễn ra ba ngày từ 21-23 tháng 8 âm lịch, tại khu di tích Lam Sơn, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân. Lễ hội Lam Kinh gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Sau lễ dâng hương tưởng niệm tại đền thờ là phần hội với các trò diễn truyền thống như múa cờ, múa đèn chạy chữ, biểu diễn võ dân tộc cổ truyền, múa cồng chiêng...

Lễ hội Mai An Tiêm

Truyền thuyết về Mai An Tiêm với quả dưa hấu đỏ thời Hùng Vương đã đi vào sử sách, sống mãi với non sông đất nước và người dân Nga Sơn, Thanh Hóa. Họ rất tự hào về sự tích quả dưa hấu đỏ năm xưa, tự hào về chàng Mai An Tiêm và coi đó là biểu tượng đầu tiên của tinh thần vượt khó, cần cù lao động của người dân Nga Sơn. Đền thờ Mai An Tiêm nhỏ nhắn đơn sơ nằm ngay cửa hang. Tương truyền đây là nơi ở của gia đình Mai An Tiêm xưa kia. Hằng năm nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội để tướng nhớ Mai An Tiêm vào ngày 12 - 14 tháng 3 âm lịch. Ngoài phần nghi lễ, còn có phần hội vui chơi thu hút nhiều người tham gia.

Lễ hội Phủ Na

Lễ hội Phủ Na được tổ chức hai lần trong năm, lần thứ nhất từ tháng Giêng đến hết tháng Hai âm lịch, lần hai từ ngày 1 đến ngày 15 tháng Tám âm lịch, tại khu vực Na Sơn động phủ, xã Xuân Du, huyện Như Thanh, cách Thành phố Thanh Hóa 30km. Đây là lễ hội tín ngưỡng dân gian, được hình thành từ rất lâu và ngày càng phát triển. Vào những ngày hội, khách thập phương về đây dâng hương, lễ bái, cầu tài, cầu lộc... rất đông. Na Sơn động phủ gồm: đền thờ Cô Ba nằm bên trái chiếc cầu bắc qua con suối vào khu vực chính của Na Sơn động phủ, được xây dựng năm 1993. Đền thờ Đức Ông (đệ nhất, đệ nhị, đệ tam), đền thờ Nguyệt Nga Thánh Mẫu, cách đền Đức Ông 50m, gồm ba toà nhà lợp ngói mũi hài liền thông với nhau. Đây là khu đền chính của lễ hội. Đền thờ Chúa Thượng và đền thờ cô Chín được xây phía trong, sát bên thác nước trên núi, ở một vị trí đẹp.

 


Cũ hơn Mới hơn