Vùng non nước Cao Bằng thu hút khách du lịch không chỉ bởi vẻ đẹp mang đậm nét hoang sơ tạo bởi những ngọn núi cao, những hang động, thác nước kỳ vĩ, những cánh rừng nguyên sinh phong phú động thực vật, mà còn bởi các lễ hội giàu bản sắc, được thể hiện qua câu ca dao "Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh trảy hội nước non Cao Bằng". Có thể kể tên các lễ hội dưới đây:
Hội đền chùa
Hằng năm, vào đầu xuân từ mồng 6 đến 15 tháng Giêng, các lễ hội diễn ra ở hầu hết các đền, chùa trong tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là ở huyện Hoà An và thị xã Cao Bằng như đền vua Lê, chùa Đà Quận, đền Kỳ Sầm... Đây là lễ hội cúng Thần, cúng Phật, cầu phúc cầu may, tưởng nhớ đến các bậc vĩ nhân, anh hùng dân tộc có công với nước, giúp đỡ nhân dân trong vùng. Sau lễ có các cuộc vui: thi tung còn, đánh đu và cũng là dịp để mọi người đi vãn cảnh, hái lộc đầu xuân.
Hội Lồng Tồng (Lễ hội xuống đồng)
Là lễ hội của dân tộc Tày - Nùng để mở mùa gieo trồng mới, diễn ra từ mồng 2 đến 30 tháng Giêng âm lịch. Mở đầu lễ hội là Trưởng bản đọc bài tế các thần, sau đó một lão nông có uy tín trong bản cày tượng trưng ở ruộng. Sau lễ, dân bản tổ chức các trò chơi dân gian hấp dẫn như: tung còn (trò chơi truyền thống của dân tộc Tày - Nùng), cờ tướng, đánh đu, rước rồng, múa lân, múa sư tử, tranh đầu pháo thăng thiên... Đặc biệt trong hội có hát Sli (Nùng) và lượn (của người Tày) giữa từng đôi nam nữ bên bờ suối, hay ở những cánh rừng.
Hội Pháo hoa Quảng Yên
Hội pháo hoa lôi cuốn nhiều chàng trai, cô gái khỏe mạnh từ nhiều nơi về tranh pháo hoa để giành chiếc vòng cầu phúc. Đây là một ngày hội vui khỏe mang tính lành mạnh với tinh thần thượng võ. Vì đây là Hội Pháo hoa đầu xuân, nên mọi người thường quan niệm ai được chiếc vòng cầu phúc thì cả năm sẽ gặp may mắn và phát tài, phát lộc. Hằng năm, hội được tổ chức vào mồng 2 tháng 2 âm lịch.
Hội Thanh Minh
Được tổ chức tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, vào khoảng tháng 3 âm lịch hằng năm. Hội gắn liền với truyền thuyết dân tộc Nùng về đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau. Cả hai đều nhảy xuống giếng tự vẫn. Cảm thương mối tình thủy chung ấy, dân bản lập miếu thờ và cứ mỗi dịp Tết Thanh Minh, dân bản mở hội với ý nghĩa cầu mùa cho bản, cầu phúc cho lứa đôi.
Lễ hội mời Mẹ Trăng
Là lễ hội của người Tày vùng Đông Khê, tổ chức vào đầu xuân, diễn ra ở từng bản kéo dài từ 10 đến 15 ngày. Lễ hội cầu Mẹ Trăng ban điều lành cho dân bản, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, con người khỏe mạnh... Mở đầu lễ hội là lễ dâng hoa rồi đến “lượn hai” (ca hát), để tiễn hồn đoàn người trần gian lên cung trăng, mời Mẹ Trăng xuống trái đất. Kết thúc lễ hội là lễ tiễn Mẹ Trăng về Trời (slống hai) diễn ra ở ngoài đồng. Cuối cùng, mọi người cùng nhau dùng bữa cơm vui hội của bản làng. Trong không khí lễ hội pha lẫn giữa cõi Trần và cõi Tiên là sự náo nhiệt của các trò chơi dân gian: chọi gà, đánh quay, tung còn...