Lễ hội truyền thống của tỉnh Vĩnh Long

09:00 | 05/01/2018

Vĩnh Long có nhiều lễ hội của đồng bào dân tộc Khơme. Lớn nhất là lễ Chol Chnam Thmay, lễ tết năm mới, được tổ chức vào ngày 15-4 âm lịch hằng năm. Kế đến là lễ Dolta, còn gọi là lễ cúng tổ tiên, ông bà, được tổ chức trong 3 ngày từ 29 tháng 8 đến 1 tháng 9 âm lịch. Đây là lễ cầu siêu, cầu phước cho linh hồn của những người đã khuất.

Ngày thứ nhất là ngày cúng tiếp đón, nhà nào cũng quét dọn sạch sẽ, gọn gàng, bày mâm cỗ, khấn vái linh hồn người đã khuất. Trong ngày này, nhà chùa có tổ chức hoạt động vui chơi giải trí thâu đêm suốt sáng. Ngày thứ hai, ngày cúng đưa linh hồn ông bà về nơi cũ. Những thức ăn cúng trong ngày tiễn đưa linh hồn được đổ vào xuồng hoặc thuyền buồm làm bằng bẹ chuối, mo cau, dừa... trên treo cờ phướn hình tam giác, vẽ hình tắc kè, cá sấu... nhằm tránh tai nạn dọc đường, giúp linh hồn trở về an toàn. Sau đó thả những chiếc thuyền này xuống sông, suối, kênh rạch, quanh nhà.

Sôi động nhất là lễ Ok Om Bok, còn gọi lễ cúng Trăng với hội đua ghe ngo truyền thống. Lễ cúng Trăng được tổ chức vào ngày 15-10 âm lịch hằng năm để tỏ lòng biết ơn vị Thần Mặt Trăng đã làm cho mùa màng tươi tốt, mang lại ấm no, hạnh phúc. Chuẩn bị cho ngày lễ người ta chôn trước sân hai trụ tre, bên trên có xà ngang dài khoảng 3m, giống cổng chào, có trang trí hoa lá. Mâm cỗ được bày ra với món cốm dẹt, được chế biến từ những bông lúa nếp vừa chín đầu mùa.


Cũ hơn Mới hơn